Jun222025

Fr Thắng nguyễn Như MSC

LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ – Năm C
– Bài đọc I: St 14:18-20
– Bài đọc II: 1 Cr 11:23-26
– Bài Phúc Âm: Lc 9:11b-17
Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích tình yêu được Chúa Giê-su đã thiết lập trong Bữa Tiệc Ly. Bối cảnh thiết lập Bí Tích trọng đại này không khỏi khiến chúng ta ngỡ ngàng và thắc mắc: tại sao Chúa Giê-su lại chọn trao ban Mình và Máu Thánh của Ngài giữa lúc mạng sống của Ngài đang gặp nguy hiểm như “ngàn cân treo sợi tóc”? Chúa Giê-su đã hành động không theo bản năng tự nhiên của con người là tự vệ hay trốn tránh để bảo tồn mạng sống. Vì yêu, Chúa Giê-su đã đón nhận tất cả như một phương tiện để bày tỏ tình yêu vô bờ và vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Cách yêu độc đáo và độc nhất vô nhị này của Chúa Giê-su đã trở thành chuẩn mực cho tình yêu tuyệt hảo.
Vậy, Chúa Giê-su đã yêu như thế nào qua Bí Tích Thánh Thể?
Trước hết, vì yêu, Chúa Giê-su đã hạ mình đến tận cùng để gần gũi và thân mật với chúng ta như lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Điều này không khó hiểu vì càng yêu thì càng muốn gần gũi và thân mật với người mình yêu.
Nơi Tấm Bánh đơn sơ nhỏ bé, Chúa Giê-su đã trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Ngài gần gũi đến mức chúng ta có thể với tay chạm vào Ngài, và thân mật đến độ chúng ta có thể đến với Ngài một cách không e ngại hay sợ sệt. Cách yêu khiêm hạ của Chúa Giê-su đã phá bỏ mọi trướng ngại ngăn cách để rồi không ai cảm thấy bị loại trừ.
Kế đến, vì yêu, Chúa Giê-su đã tự hiến mạng sống Ngài để chúng ta được sống và sống dồi dào. Nơi Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su muốn biến chuyển bánh thành Mình Thánh Ngài nuôi dưỡng tâm hồn và biến rượu thành Máu Thánh Ngài thanh tẩy mọi tội lỗi của những ai tin và đón nhận Ngài.
Cách yêu này của Chúa Giê-su quả là vĩ đại. Ngài chủ động làm tất cả những gì có thể để đem đến cho người yêu của Ngài tất cả những gì tốt đẹp nhất bất chấp sự bội phản, bất trung, bất nghĩa, và bất nhân của họ. Tình yêu tự hiến của Chúa Giê-su quả là một sáng kiến vô cùng táo bạo vượt quá trí hiểu của con người. Tình yêu có ngôn ngữ riêng mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu và cảm nhận được.
Sau cùng, vì yêu, Chúa Giê-su muốn kết hiệp mật thiết với chúng ta và biến đổi chúng ta nên một với Ngài. Điều này dẫn đến một hệ quả tuyệt vời là mỗi chúng ta nên một với nhau trong Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Giê-su là Giáo Hội. Chính vì hệ quả tuyệt vời này mà Rước Lễ được gọi là Hiệp Lễ.
Vì được nên một với Chúa Giê-su Thánh Thể, sứ vụ yêu thương của Ngài cũng là sứ vụ của mỗi chúng ta. Sứ vụ đó là trở nên một tấm bánh được bẻ ra cho mọi người như Chúa Giê-su. Chính vì thế mà Thánh Lễ không kết thúc nơi nhà thờ mà được nối dài nơi cuộc đời mỗi người như lời bài thánh ca rất quen thuộc “Chứng Nhân Phúc Âm” của nhạc sĩ linh mục Thành Tâm: “Ta về thôi vì thánh lễ đã hết nhưng đời ta là thánh lễ nối dài. Đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi ta sống sao để thành chứng nhân.”
Trong tâm tình hân hoan cử hành Trọng Thể Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giê-su, xin cho mỗi người luôn siêng năng đón nhận Thánh Thể Chúa ngỏ hầu trở nên tấm bánh được bẻ ra như Chúa Giê-su đem nhiều ơn ích cho chính mình và cho tha nhân. Amen.
Fr Thắng Nguyễn Như, msc