May042025

Fr Thắng nguyễn Như MSC

CHÚA NHẬT 3 MÙA PHỤC SINH – NĂM C
– Bài đọc I: Cv 5:27b-32.40b-41
– Bài đọc II: Kn 5:11-14
– Tin Mừng: Ga 21:1-19
Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a trong một bầu khí yêu thương và thân mật. Các môn đệ ra biển suốt đêm để đánh cá nhưng không bắt được gì cả. Rồi, Chúa Giê-su đã hiện ra và bảo các môn đệ thả lưới bên phải mạn thuyền. Các môn đệ đã làm theo và bắt được rất nhiều cá, chính xác là 153 con. Lúc này, người môn đệ được Chúa Giê-su thương mến liền nói với Phê-rô: “Chúa đó!” Ngay lập tức Phê-rô mặc áo vào rồi nhảy xuống biển đến với Chúa Giê-su. Khi đang ăn sáng với các môn đệ, Chúa Giê-su đã trao cho Phê-rô trọng trách thay Ngài chăm sóc và dẫn dắt Giáo Hội.
Câu chuyện gặp gỡ rất tuyệt vời này có thể được xem là mẫu mực cho hành trình đức tin Ki-tô hữu gồm ba bước: 1. Chúa Giê-su Phục Sinh đến gặt gỡ các môn đệ; 2. Phản ứng của Phê-rô khi nhận ra Chúa; 3. Lãnh nhận sứ mạng yêu thương của Chúa Giê-su.
1. Chúa Giê-su Phục Sinh đến gặp gỡ các môn đệ
Ngài đến gặp gỡ các môn đệ trong một bối cảnh rất bình thường và quen thuộc đối với các môn đệ. Thế nhưng các môn đệ đã không nhận ra Thầy mình cho đến khi thả lưới bên phải mạn thuyền theo lệnh truyền của Thầy và bắt được một mẻ cá đầy.
Một cách tương tự, Chúa Giê-su Phục Sinh cũng chủ động đến gặp gỡ chúng ta trong mọi tình huống quen thuộc hằng ngày bằng nhiều cách thức mầu nhiệm khác nhau như nơi công sở hay gia đình, nơi mọi biến cố cuộc đời, nơi tiếng thở dài của cha, nơi vết nhăn trên trán của mẹ, tiếng tiếng cười của trẻ thơ v.v… Nhiều lúc, như các môn đệ, chúng ta cũng không thể nhận ra sự hiện diện của Chúa. Thế nhưng, vì yêu, Chúa Giê-su sẽ không ngừng tỏ mình ra theo cách riêng của Ngài cho đến khi chúng ta nhận ra Ngài.
2. Phản ứng của Phê-rô khi nhận ra Chúa Giê-su
Hình ảnh Phê-rô nhảy xuống biển đến với Chúa Giê-su đáng để chúng ta suy gẫm lắm. Phản ứng này diễn tả niềm vui lớn lao và sự hào hứng mạnh mẽ của Phê-rô khi thấy Chúa Giê-su. Niềm hạnh phúc trong lòng Phê-rô đang trào dâng rất mạnh mẽ, mạnh đến độ không thể kiềm nén được.
Hành động nhảy xuống biển của Phê-rô đã trở thành cử chỉ biểu tượng cho người môn đệ của Chúa Giê-su khi nhìn thấy Ngài. Khi nhận ra sự hiện diện của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Vui mừng và háo hức như Phê-rô hay lo sợ vì lời mời gọi biến đổi của Chúa Giê-su. Câu trả lời còn tuỳ thuộc vào mối tương quan mật thiết của chúng ta với Ngài.
3. Lãnh nhận sứ mạng yêu thương của Chúa Giê-su
Trước khi uỷ thác sứ mạng chăm sóc Giáo Hội cho Phê-rô, Chúa Giê-su đã hỏi thánh nhân ba lần với cùng một nội dung: “Phê-rô, anh có thương mến Thầy không?” Qua ba lần hỏi này, Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh rằng tình yêu dành cho Ngài phải là trọng tâm của sứ vụ của Ngài, và rằng Phê-rô phải yêu thương và chăm sóc Giáo Hội như Ngài đã yêu thương và chăm sóc Phê-rô với một tình yêu vô bờ và vô điều kiện.
Yêu như Thầy yêu quả là một thách đố rất lớn, đặc biệt đối với một người yếu đuối như Phê-rô. Tuy nhiên, không vì thế mà Phê-rô thoái thác sứ vụ còn dở dang của Chúa Giê-su. Phê-rô đã lãnh nhận sứ mạng này trong tâm tình khiêm nhu rằng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy.”
Phê-rô ý thức rất rõ rằng ngài được uỷ thác trọng trách này không phải vì tài năng hay đức độ của mình mà là vì lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Như vậy, sứ mạng của Phê-rô cũng như sứ mạng của chúng ta không gì khác hơn là yêu thương và phục vụ lẫn nhau như Chúa Giê-su đã yêu thương và phục vụ chúng ta.
“Lạy Chúa! Chúa biết con yêu mến Ngài,
dù con đây bao phen vong ân tình Chúa.
Nhưng Ngài đã xoá hết tội con vấp phạm.
Vì Chúa biết, Chúa biết con yêu mến Ngài.”
Fr Thắng Nguyễn Như, msc
“Nhận nhưng không thì cho đi nhưng không.” Mong cả nhà cùng chung tay làm cho Lời Chúa được vang xa bằng cách chia sẻ bài suy niệm này đến những ai cần nhé. Xin chân thành cám ơn.