Jun222025
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Mình Và Máu Thánh Chúa. St 14, 18-20. 1Cr 11,23-26. Lc 9,11b-17
Hy vọng ‘no nê’ cùng Chúa!
Trong bài chia sẻ về hành trình 50 tạ ơn hồng ân viễn xứ, một giáo mục đã đưa ra nhận định Thánh
Thể chính là ánh sáng hy vọng trong đêm tối của những người trong trại tị nạn. Điều này cũng đã xảy
ra với Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận khi ở trong cảnh tù đày. Khi mà, hoàn
cảnh cuộc sống dường như bao phủ bởi những bóng tối thất vọng thì ánh sáng hy vọng lại bùng lên rõ
ràng hơn. Điều này được nhắc đến không phải để ca ngợi những hoàn cảnh khó khăn, nhưng là để tạ ơn
trong mọi hoàn cảnh. Tạ ơn vì Thiên Chúa đã hiện diện hữu hình qua Người Con Một là Chúa Giêsu
Kitô, và luôn tiếp tục hiện diện trong Mình Máu Thánh Người.
Tạ ơn như Men-ki-xê-đê chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao khi đón ông Áp-ram trở về. Men-ki-xê-đê là
vua, là tư tế và có thể nói ông cũng là ngôn sứ. Ông đã dâng lên bánh và rượu để cùng Áp-ram và tất cả
mọi người tạ ơn Thiên Chúa như một tiên báo về bí tích Thánh Thể. Điểm đặc biệt, ông được chọn là
biểu tượng phẩm trật thượng tế muôn đời chứ không phải là tư tế theo dòng dõi Lêvi. Vì sao chọn vậy?
Một phần lý do là vì tên của ông, Men-ki-xê-đê có nghĩa là vua công chính và là vì vua thành Sa-lem,
cũng mang ý nghĩa một vị vua của hoà bình. Ông không có ngày sinh cũng chẳng có ngày mất như là
dấu hiệu của sự trường tồn, chứ không phải là không nguồn gốc, không kết cục. Đây cũng chính là
danh xưng và thực tại tiên báo về chính Chúa Giêsu Kitô, Vua Công Chính và Hoà Bình, Vị Thượng
Tế Đời Đời. Hiểu như thế, Men-ki-xê-đê đặc biệt nhắc đến như một dấu chỉ hy vọng được tỏ lộ cho sự
chiến thắng của Áp-ram và tiên báo về ý nghĩa tư tế đặc thù và muôn thuở của Chúa Giêsu Kitô.
Đặc biệt là thế mà Chúa Giêsu không dành riêng cho mình mà trao ban đến tất cả mọi người. Khi
Người nhận ra sự quan tâm của các muôn đệ của dân chúng theo trình thuật của thánh sử Luca, Chúa
mời gọi: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Lược lại Kinh Thánh, cả bốn Tin Mừng đều có trình thuật về
phép lạ (dấu chỉ) năm chiếc bánh và hai con cá (Mt 14,13-21; Mc 6,32-44, Lc 9,10b-17; Ga 6,1-15).
Điểm nhấn của Tin Mừng theo thánh Luca là sự chào đón của Chúa Giêsu, rao giảng về Nước Thiên
Chúa và chữa lành cho những ai cần được chữa lành. Quả thế, mặc dù nội dung gần như tương đồng
với Mát-thêu và Mác-cô, thế nhưng Luca có sự sắp xếp đặc biệt.
Không giống như sự tổng kết của Mát-thêu và Mác-cô, Luca đề cập đến tất cả mọi người với số lượng
năm ngàn người đàn ông ngay từ câu trả lời của các môn đệ. Theo Luca, Chúa Giêsu không sắp xếp
trực tiếp mà mời gọi các môn đệ hãy làm việc đó. Chúa mời gọi các ông bảo mọi người ngồi xuống
thành từng nhóm với sự lượng cụ thể là khoảng năm mươi người. Điều này thể hiện sự chào đón và
tiên liệu của Chúa Giêsu về phép lạ Người thực hiện. Qua số lượng cụ thể rõ ràng, Chúa Giêsu giúp
các môn đệ nhận ra chính các ông là người cho tất cả mọi người ăn. Điều này trái ngược với sự thiếu
sự tin tưởng về thầy mình sẽ có đủ thức ăn cho mọi người. Có thể nói, trong sự cứng lòng chưa tin
cùng với chút thất vọng thì Chúa đã gợi lên một ngọn lửa hy vọng. Ngọn lửa này đem đến thức ăn và
sự no nê cho tất cả mọi người.
Qua hành động cầm lấy-ngước mắt tạ ơn-trao ban, dấu chỉ hy vọng được thổi bùng lên khi Chúa Giêsu
thể hiện bằng chính thân thể Người trong đêm bị nộp. Chính trong đêm đó, Chúa Giêsu tâm tình: “Đây
là Mình Thầy, đây là Máu Thầy” để trao ban qua sự thiết lập bằng Máu. Điều này đem lại một cú
‘shock’ lớn cho nhiều người, ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu. Vì mình và máu là thân thể là biểu
tượng của sự sống, và không thể tồn tại sự sống nếu thiếu một hình ảnh thân thể với sức sống chảy
trong đó. Thế mà, Chúa Giêsu lại thiết lập một sự sống mới, một giao ước mới bằng chính thân thể và
sự sống của Người.
Vậy mà có người lại cho rằng, những điều này chỉ mang tính biểu tượng và chỉ dành cho người tin có
Chúa mà thôi. Chứ thật ra, Chúa làm sao có thể trao ban Mình và Máu thật sự của Người cho nhân loại
được. Vâng, rất nhiều người, ngay cả những tín hữu công giáo cũng không tin có sự hiện diện thật sự
của Chúa Giêsu trong Mình và Máu Thánh Chúa. Những người này cho rằng, tin vào Chúa Giêsu Kitô
và sống yêu thương thì quan trọng hơn là lãnh nhận Thánh Thể. Vậy, phải chăng chúng ta quên mất
rằng Chúa Giêsu và Thánh Thể Người là một, và chúng ta sẽ dần dà quên tưởng nhớ đến Người khi
chúng ta không cùng nhau cử hành Thánh Lễ. Xin chúng ta đừng quên, bánh và rượu không chỉ đơn
thuần biểu tượng, là vật phẩm mà đó chính là Mình và Máu Thánh Chúa. Đó chính là sự hiến dâng và
thiết lập mà chính cái chết và phục sinh của Người.
Nguyện ước sao, mỗi người tín hữu sẽ luôn có Đức Tin bù lại nếu giác quan vẫn chưa cảm thấy gì, sẽ
có Đức Cậy để có một ngày cảm nhận Chúa thật sự hiện diện nơi Thánh Thể, và có Đức Mến để luôn
đến với Thánh Thể và đến với anh chị em chung quanh như là hình ảnh hữu hình của Chúa trong hành
trình đầy hy vọng nơi trần thế này. Amen.