May282025
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh. Cv 18,1-8; Ga 16,16-20
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy,
rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”
17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau : “Người muốn nói gì khi bảo
chúng ta : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và
‘Thầy đến cùng Chúa Cha’ ?” 18 Vậy các ông nói : “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì ? Chúng ta không hiểu
Người nói gì !” 19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông : “Anh em bàn luận với
nhau về lời Thầy nói : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy
Thầy’. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh
em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
‘Ít lâu nữa’ thôi
Một số người yêu thích đọc Tin Mừng Gioan có khi cũng cảm thấy chán và khó chịu vì cùng
một nội dung mà cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Người tích cực cho rằng, nội dung cần lặp lại để có
thể thấu hiểu từng bước và rõ ràng hơn. Người thiếu kiên nhẫn thì nhận ra dường như Tin
Mừng Gioan không dành cho mình. Nhưng những ai đã từng trãi qua một biến cố choáng ngợp
vượt qua sức mình sẽ nhận ra, ‘sự thương tổn’ cứ như mà một cơn ác mộng triền miền. Nó cứ
lặp đi lặp lại mãi đến khi mình thật sự được chữa lành. Thử đặt trong bối cảnh, các môn đệ đối
diện với cái chết của Chúa Giêsu như là một sự choáng ngợp đã để lại dấu ấn sâu đậm, dẫu chỉ
là một ‘ít lâu’ thôi. Như thế, phải chăng cộng đoàn đức tin khi nhìn nhận lại những giây phút
cuối cùng của Chúa Giêsu cũng như trãi qua một sự tổn thương lớn trong ‘ít lâu’ cũng cần được
chữa lành?
Nhìn lại trình thuật Tin Mừng Gioan, bữa ăn cuối cùng pha lẫn với những cuộc trò chuyện của
Chúa Giêsu dường như không có điểm dừng từ chương 13 đến chương 17. Đây như là những
lời di chúc của Chúa Giêsu mà cộng đoàn đức tin theo trình thuật Gioan ghi nhận lại. Những lời
di chúc này kèm theo phản ứng của cộng đoàn mà các môn đệ là người đại diện. Các ông không
dám hỏi trực tiếp mà chỉ trò chuyện với nhau xem ý của Chúa Giêsu có nghĩa gì? Điều này xem
ra hợp lý vì một mặt Chúa mời gọi yêu thương, mời gọi cư ngụ trong Người, mặt khác Chúa lại
nói Người sẽ thoát ẩn thoát hiện trong ‘ít lâu’ làm cho các môn đệ phân vân.
Vâng, nhìn lại lời Chúa Giêsu qua ánh sáng Phục Sinh, chúng ta dễ dàng nhận ra sự tiên báo
của Chúa về Sự Thương Khó như là một khoảng trống ‘ít lâu’ vắng mặt của Người. Để rồi,
Chúa lại đến trong thân xác Phục Sinh và hiện diện cùng các môn đệ. Thế nhưng, qua lăng kính
của sự tổn thương, chúng ta có thể phần nào nghiệm ra, cái chết của Chúa Giêsu không chỉ đơn
giản là thoáng qua, là đến rồi đi một cách nhẹ nhàng. Cái chết đã ghi một dấu ấn trong hành
trình theo Chúa của các môn đệ và mỗi người chúng ta. Điều đó được thể hiện qua ‘ít lâu nữa’
anh chị em chúng ta không trông thấy Chúa.
Chỉ là một ‘ít lâu’ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần như một tổn thương cứ tuần hoàn mãi trong đời
chúng ta. ‘Ít lâu’ không có Chúa mà tưởng chừng vô tận, ‘ít lâu’ tưởng chỉ một lần nhưng lại cứ
đến mãi. Đó như là cảm xúc thiếu vắng của mỗi người tín hữu khi chưa cảm nhận Chúa trong
đời. Khi đó, chúng ta chia sẻ với nhau, ‘sự vắng mặt ít lâu’ của Chúa nghĩa là thế nào? Vì sao
mình không dám thân thưa cùng Chúa để nhận ra, vì sao Chúa lại vắng mặt một ‘ít lâu’ như thế?
Để rồi, chúng ta nhận ra, Chúa thấu tỏ tâm tình của chúng ta và ngỏ lời với mỗi người rằng
Người biết rõ tất cả. Người thấu tỏ hành trình của mỗi người luôn có những gập gềnh, luôn có
sự thiếu vắng và không tránh khỏi tâm tình khóc lóc, than van trong khi thế gian thì vui mừng.
Đó cũng là một thực tế mà đôi khi người theo Chúa chưa nhận ra, chưa đón nhận được sự mất
mát và thiếu vắng, dù chỉ trong một ‘ít lâu.’ Đến khi nhận ra, chúng ta được mời gọi hãy cảm
nhận bằng chính con người thật của mình, nhưng đừng dừng lại ở đó mà hãy bước tiếp. Như
Chúa Giêsu khẳng định, nỗi buồn rồi sẽ trở thành niềm vui. Đây là một niềm vui như một sự
chữa lành đến từ chính Chúa.
Vậy chúng ta hãy cùng nguyện ước sao, cảm nhận nỗi buồn một ‘ít lâu’ vắng Chúa luôn xảy ra
và lặp lại trong hành trình hy vọng của mình như một điều hiển nhiên, để rồi, nhận ra niềm vui
‘lấp đầy’ qua sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong cuộc đời mình. Amen.