May112025
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Chúa Nhật IV Phục Sinh C. Cv 13,14. 43-52. Kh 7,9-17. Ga 10,27-30
Mục tử biết ‘chiên,’ nghe – theo tiếng Người
Trong xã hội hiện nay, hình ảnh vị mục tử và đàn chiên dường như không còn quen thuộc nữa thì hình
ảnh này càng trở nên xa lạ trong văn hoá Việt Nam. Xa lạ đến nỗi, có người thiếu hiểu biết đã xem
người tín hữu như những con chiên như là thức ăn chủ các vị mục tử là các linh mục. Thế nhưng, đối
với người tín hữu công giáo, hình ảnh vị mục tử nhân lành luôn gắn liền với tình yêu qua sự hướng
dẫn, quan tâm, chăm sóc. Nhất là trong bối cảnh toàn thể giáo hội công giáo đang hướng về vị tông đồ
trưởng là giám mục Rôma, là Đức Giáo Hoàng như là một vị mục tử nhân lành. Như thế, liệu rằng vị
mục tử có biết đàn chiên của mình, và những con chiên có biết lắng nghe tiếng chủ chăn không?
Trong trình thuật sách Công vụ Tông đồ, một hướng đi mới và xem ra rất khác lạ đối với cộng đoàn tín
hữu tiên khởi đã được mở ra. Bởi lẽ, theo lẽ thường, Lời của Chúa được dành riêng cho Dân Chúa,
những người được sống trong giao ước với Người. Tất cả là những người đầu tiên được nghe công bố
Lời Thiên Chúa. Thế mà tiếc thay, họ đã khước từ và tự coi mình là không xứng đáng không là sự
khiêm nhường mà ngược lại phản đối những người loan báo Tin Mừng. Cũng chính sự khước từ qua sự
phản đối và nhục mà ông Phao-lô và Ba-na-ba nhận ra lệnh truyền của Chúa là trở nên ánh sáng cho
muôn dân, và đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất. Vâng, ánh sáng của Thiên Chúa bao phủ tất cả mọi
người và ơn cứu độ được loan truyền khắp nơi chứ không chỉ cho riêng ai. Thế mà, người được xem là
tín hữu, là thuộc về đàn chiên lại là người sinh lòng ghen tức dẫn đến việc không nghe Lời Chúa qua
các tông đồ của Người.
Chính điều này đã được Chúa Giêsu nhắc đến trong lời nói dành cho người Do-Thái: “Chiên của tôi thì
nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi.” Một lời ngắn ngũi nhưng cũng thật đặc biệt vì động từ
‘biết’ được đặt vào giữa động từ “nghe” và “theo.” Sự hiểu biết của Chúa thì có lẽ không còn gì là lạ vì
trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa mãi là Chúa của dân. Người luôn thấu hiểu những nhu cầu của dân
lẫn sự bất trung của họ. Chúa sẵn sàng ban cho dân sự sống đời đời để dân mãi mãi là dân của Chúa.
Thế nhưng, dân có biết Chúa và theo Chúa không? Hay dân chỉ biết đến những người chăn thuê, chạy
theo những người lãnh đạo vì lợi ích cá nhân, vì tiền tài hay danh vọng? Và lắm lúc, con chiên biết vị
mục tử đó, nhưng có nghe tiếng và đi theo không?
Đây có lẽ sẽ là một thách đố lớn trong bối cảnh một vị mục tử mới xuất hiện. Khi nhiều người đang
mong chờ một Đức Thánh Cha Phanxicô Đệ Nhị thì có một Lêo XIV. Ngài xuất hiện như bình thường
trong phẩm phục của Đức Giáo Hoàng như trước thời của Đức Phanxicô. Ngài chọn tên là Lêo như nối
tiếp truyền thống Công Bằng Xã Hội của Đức Lêo XIII. Ánh mắt của Ngài vui tươi pha lẫn với những
giọt lệ gần như tràn mi vì tiếng reo hò của dân chúng trong quảng trường thánh Phêrô. Trong những lời
đầu tiên, Tân Đức Thánh Cha sử dụng tiếng Ý và một lời chào bằng tiếng Tây Ban Nha. Điểm đặc biệt,
Ngài không nói một từ tiếng Anh nào dù Ngài sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ. Đây là những dấu hiệu đầu
tiên mà dân chúa nghe được từ vị chủ chăn của mình.
Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng, Đức Tân Giáo Hoàng cũng là một con người như bao người khác
và chỉ có một vị mục tử nhân lành thực sự là Chúa Giêsu Kitô. Trong sách Khải Huyền, Người được
trình thuật như là Con Chiên nhưng lại đóng vai trò chăn dắt và dẫn đưa mọi người tới nguồn nước
trường sinh. Và mỗi người chúng ta là thành viên trong đoàn người đông đảo thuộc mọi dân, mọi chi
tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Chúng ta luôn biết lắng nghe và theo bước Chúa Giêsu Kitô là Con
Chiên và là vị mục tử của mình. Người luôn biết mỗi người chúng ta và sẽ lau sạch nước mắt của
chúng ta trong một thế giới còn lắm tang thương này.
Vậy, chúng ta hãy cùng hiệp ý cầu nguyện cách riêng cho Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV để Ngài luôn
là vị mục tử nhân lành và biết đến chiên của mình. Và nguyện ước sao, mỗi người chúng ta sẽ luôn biết
lắng nghe và đi theo vị mục tử chân chính của mình để luôn được lãnh nhận nguồn nước trường sinh
và bánh hằng sống. Amen.