May042025

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Chúa Nhật III Phục Sinh C. Cv 5,27-32, 40-41. Kh 5,11-14. Ga 21,1-14

Từ “Tìm gì?” đến “Tìm ai?”

Trong các Tin Mừng, chúng ta được nghe có lần Chúa hỏi thăm các môn đệ về người ta nói Người là
ai. Thế là, các môn đệ đều cố gắng đưa ra câu trả lời sao cho phù hợp như là một cách lấy điểm trước
mặt Chúa. Để rồi, Chúa đưa một câu hỏi mang tính cá nhân để biết được các ông cảm nhận Thầy mình
là ai. Lần này, câu trả lời được xem là xuất sắc đến từ tông đồ cả Phêrô. Thế nhưng, có ai dám hỏi
ngược lại Chúa, vậy Chúa nói mình là ai không?

Câu hỏi này xem ra không phù hợp vì trò làm sao dám thử thách thầy, và người đi theo làm sao dám là
người dẫn đường được. Vậy mà, một trong trình thuật về kinh nghiệm Phục Sinh, thánh sử Gioan đã
đặt ra câu hỏi này, dẫu rằng không ai dám thốt nên lời: “Ông là ai?” Lý do đưa ra là vì các ông đã có
câu trả lời, đã cảm nhận được thầy mình là ai rồi. Vậy còn mỗi người anh chị em chúng ta thì sao,
chúng ta có đã, đang và luôn trải qua hành trình tìm kiếm và lắm lúc cần thốt lên câu hỏi: “Chúa là ai?”
không?

Đọc lại Tin Mừng theo thánh Gioan, câu hỏi Chúa Giêsu dành cho các môn đệ đầu tiên là “Các anh tìm
gì thế?” (Ga 1,38). Đối diện với câu hỏi này, các ông đã đưa ra câu trả lời bằng một câu hỏi để tìm nơi
Chúa Giêsu ở. Khi tìm thấy rồi, các ông đã ở lại và rồi cùng đồng hành với Chúa. Một sự đồng hành
khởi đi với phép lạ đầu tiên đã giúp các ông thêm lòng tin tưởng vào thầy của mình. Đây cũng chính là
lần đầu tiên Gioan nhắc đến giờ của của Chúa Giêsu. Giờ mà không chỉ có sự Thương Khó mà còn là
sự Phục Sinh nữa.

Khi giờ đã đến, Chúa Giêsu hỏi nhóm Pha-ri-sêu và toán quân rằng: “Các anh tìm ai?” (Ga 18,4. 7).
Một câu hỏi được lặp lại dành cho đối tượng là những người đang tìm bắt Chúa đã diễn tả một sự biến
đổi. Bởi vì, việc đến với Chúa lúc này không còn dừng lại ở tìm gì, tìm một nơi chốn, sự vật sự việc
nào đó, mà tiến lên một bước nữa là tìm ai. Với việc lặp lại câu trả lời là Giêsu Na-da-rét, những người
đến với Chúa dù với ý định tiêu cực cũng đã phán ánh một mối tương quan. Một tương quan giữa
người với người, vì trong những người tìm bắt Chúa đó có ông Giu-đa. Có người cùng đồng hành với
Chúa mà nay lại đến với nhóm tìm bắt Người.

Cũng trong giờ của Người, trước khi lên cùng Cha, Chúa Phục Sinh hỏi bà Maria Mác-đa-la rằng: “Bà
tìm ai?” (Ga 20,15). Đây là một câu hỏi cùng nội dung về tìm người, nhưng lại mang tính cá vị. Nghĩa
là câu hỏi dành riêng cho Maria mà cũng như cho mỗi người chúng ta. Đối với Maria, câu trả lời không
thật rõ ràng mà mang tính dự đoán là tìm thân xác Chúa Giêsu. Vì trong cách nhìn của Maria sau sự
Thương Khó, Chúa Giêsu đã chết. Tương quan giữa Chúa và bà dường như chỉ còn lại trong quá khứ
và đã kết thúc với cái chết của Người. Kết quả, sự hiện diện của Chúa Phục Sinh giúp bà nhận ra, bà
tìm Chúa và cảm nhận Người, chứ không phải tìm điều gì khác, ngay cả tìm người chết.

Giờ Thương Khó và Phục Sinh cũng đã qua, nay Chúa đến cùng với các môn đệ sau khi đã trở về cùng
với Chúa Cha. Lần này, Chúa không hỏi tìm gì hay tìm ai nữa, mà quan tâm các ông có gì ăn không để
sẵn sàng chuẩn bị cho các ông. Đến lúc này, không ai dám hỏi Chúa Giêsu “Ông là ai?” (Ga 21,12) vì
các ông đã rõ Chúa Giêsu là ai. Chúa có thể là Chúa, là người thầy, là người bạn, là người hằng yêu
thương và quan tâm chăm sóc các ông. Người trao cho các ông bánh và cá như nguồn lương thực bồi
dưỡng cho các ông sau hành trình lưới người như lưới cá của các ông.

Một chút nhận định về sự thay đổi câu hỏi từ ‘tìm gì’ đến ‘tìm ai?’, chúng ta nhận ra hành trình cảm
nhận Chúa trong đời sống đức tin của chúng ta. Đó có thể là một hành trình từ thoả mãn mong ước
được biết về Chúa rồi để cảm nhận Chúa trong tương quan rất riêng của mình. Như trong hành trình hy
vọng với sự đồng hành của Chúa Phục Sinh, người tín hữu nhận ra Chúa luôn quan tâm chăm sóc từ
những điều rất nhỏ bé như là miếng ăn, giấc ngủ. Hơn thế nữa, Chúa đã trao ban chính Mình và Máu
Thánh Người cho sự sống thiêng liêng của chúng ta.

Ước mong sao, hành trình Đức Tin và Hy Vọng của chúng ta sẽ luôn có sự biến đổi từ tìm gì đến tìm
ai, từ tìm vật chất đến cảm nhận sâu sắc trong mối tương quan, để rồi, hành trình đó sẽ luôn được bồi
dưỡng với Đức Mến dâng trào từ chính sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong đời chúng ta. Amen.