Apr272025

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa. Cv 5,12-16; Kh 1,9-19; Ga 20,19-31

Phục Sinh là ‘hết’?

Người đời quan niệm chết là hết, còn người Kitô hữu thì có lúc chia sẻ rằng, Phục Sinh là hết. Cũng
là một từ hết mà xem ra có nhiều cách hiểu khác nhau. Nếu chết là hết nghĩa là không có đời sau,
không còn gì để mất hay nắm giữ thì Phục Sinh không phải thế. Thật ra, cái chết là một dấu chấm
thật sự cho thân xác thể lý, một thân xác giới hạn trong hơi thở, trong những vật chất thông thường.
Nhưng sau cái chết còn có sự Phục Sinh, một sự sống vĩnh cửu không bị giới hạn trong cơ thể vật
lý. Vậy sao lại nói Phục Sinh là hết? Phải chăng là vì sau Phục Sinh không còn gì nữa, hay đúng
hơn Phục Sinh mở ra một hành trình mang lại một cái kết viên mãn?

Theo trình thuật sách Công Vụ Tông Đồ, sự Phục Sinh của Chúa được thể hiện bằng nhiều dấu lạ
điềm thiêng qua bàn tay của các Tông Đồ. Dường như sau Chúa Phục Sinh, mọi sự không chấm hết
mà mở ra một hành trình mới. Đây là hành trình loan báo Tin Mừng Phục Sinh với dấu hiệu đặc biệt
là mọi tín hữu đồng tâm nhất trí với nhau. Với sự quy tụ nên một, cộng đoàn ngày càng thêm đông
số vì có nhiều người tin vào Chúa, không kể đàn ông hay đàn bà. Hơn thế nữa, các môn đệ mà cách
đặc biệt là thánh Phêrô đã thực hiện những điều mà Chúa Giêsu đã làm. Thánh nhân đã chữa lành
tất cả những người ốm đau cả thể xác lẫn tâm hồn. Có thế nói, hành trình đức tin đã được trãi rộng
và triển nở sau sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Thế nhưng, khởi đầu cho hành trình này không phải lúc nào cũng suôn sẻ, dễ dàng vì những nhóm
người cản trở và bách hại. Đối mặt với sự chống đối và thù nghịch, các môn đệ không bất an nhưng
được bình an với sự hiện diện của Chúa. Sự bình an này đi kèm với sự vui mừng hoan hỉ vì được
đụng chạm vào chính thân thể Phục Sinh của Chúa Giêsu. Theo trình thuật của Gioan, khi đôi mắt
đức tin đã được mở ra thì sự cản trở không còn bị giới hạn nơi đôi mắt thể lý nữa. Chính sự mở ra
này cũng mời gọi các muôn đệ hãy biết đón nhận lấy Thánh Thần mà đem bình an và vui mừng đến
cho tất cả mọi người qua sự chữa lành.

Sự chữa lành này không chỉ được thực hiện qua sự tha thứ mà còn là sự bảo bọc, che chở. Điều này
được trình bày rõ ràng qua chính lệnh truyền của Chúa Giêsu Phục Sinh. Bởi vì, trình thuật của
Gioan trong tiếng Hy Lạp không dừng lại theo cách hiểu lặp lại như trình thuật Mát-thêu: “Dưới đất,
anh (em) cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh (em) tháo cỏi điều gì,
trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,19; 18,18). Đây là quyền đã trao cho thánh Phêrô cũng
như các tông đồ khi Chúa Giêsu còn ở với các ông.

Đúng hơn, theo trình thuật của Gioan, động từ κρατέω (krateó) trong tiếng Hy Lạp nên hiểu là bao
bọc, che chở thay vì cầm giữ. Như thế, lời của Chúa Giêsu Phục Sinh nên được hiểu là: “Anh em
tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em bảo bọc ai thì người ấy sẽ được bảo bọc.” Theo cách
hiểu này, lệnh truyền Loan Báo Tin Mừng của Chúa Phục Sinh theo Gioan là lệnh truyền tha thứ,
yêu thương, chữa lành đầy tích cực chứ không phải là phán xét, nắm giữ, cầm buộc theo nghĩa tiêu
cực. Đây cũng là cái kết của sự Phục Sinh khi hành trình hy vọng kết thúc thì chỉ có tình yêu, vui
mừng và bình an.

Như một phần của sách Khải huyền, Gioan trình thuật lại Đấng Khởi Nguyên và Tận Cùng, là Đầu
và là Cuối. Chính nhờ Người, với Người và trong Người, sự sống muôn thưở muôn đời được trao
ban cho tất cả những ai đang trong hành trình hy vọng. Người cũng chính là cái kết viên mãn cho
những ai đang còn mãi tìm kiếm sự chữa lành, tìm niềm vui và bình an đích thực. Vì lắm lúc, chúng
ta còn dừng lại ở đôi mắt, đôi tay của mình với những vật chất và thoả mãn chóng qua. Khi đó, có lẽ
chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở sự phán xét, sự cầm giữ mà thiếu đi lòng thương xót.

Nguyện ước sao, trong ngày lễ Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh, cũng là ngày trọng kính Lòng Thương
Xót Chúa, mỗi người anh chị em chúng ta sẽ cảm nhận được sự yêu thương, tha thứ và chữa lành,
để rồi, cũng đem niềm vui mừng và bình an đó đến với anh chị em chung quanh. Amen.