Apr062025
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Chúa Nhật V Mùa Chay.Is 43,16-21. Pl 3,8-14. Ga 8,1-11
Hy vọng mới hướng tới sự viên mãn
Trong tâm tình Mùa Chay, lời mời gọi sám hối đi liền với hành động cụ thể là lãnh nhận bí tích Hoà
Giải. Thế là có người cho rằng, khi nào một người chừa hết tội thì mới đi xưng tội. Chứ mà, mỗi
người cứ đi xưng tội rồi lại phạm tội thì xưng tội làm gì cho mất công vì cứ phạm tội mãi. Hiểu như
kiểu thường tình, mỗi người ăn uống thì no rồi sao lại ăn nữa, có phải vì đó là vòng tuần hoàn bình
thường của cơ thể con người? Vậy phải chăng, người tín hữu hoán cãi, được hoà giải, cũng chỉ là một
vòng tuần hoàn thường tình hay hy vọng hướng tới một cái kết viên mãn.
Lắng nghe lời Đức Chúa qua trình thuật của ngôn sứ I-sai-a, chúng ta nhận ra công việc lạ lùng của
Thiên Chúa trong đời sống con người. Một cách cụ thể, Đức Chúa đã cho dân người vượt qua biển đỏ
khô chân khi vạch ra một con đường giữa đại dương. Đó là một lối đi giữa sóng nước oai hùng như ý
nghĩa của bí tích Rửa tội. Đây là một hành động đem đến hai kết quả cơ bản. Một mặt là giải thoát
dân khỏi xiềng xích nô lệ tội lỗi, mặt khác là đè đẹp các thế lực thù địch. Đó là công việc vĩ đại mà
Đức Chúa đã thực hiện cho dân của Người. Đó cũng là một cái kết đặc biệt trong hành trình giải thoát dân.
Thế mà, Đức Chúa lại phán dạy, đừng nhớ lại chuyện ngày xưa, đừng quan tâm về những việc thuở
trước. Chúa phán như thế không phải để dân xoá đi những ký ức nhưng để cho dân biết hy vọng. Hy
vọng là hướng đến những điều sẽ đến để sống ở giây phút hiện tại. Hy vọng đó cậy trông vào một sự
lạ đặc biệt mà Đức Chúa thực hiện. Sự lạ đó là sự sống giữa cái chết, như con đường và mạch nước
giữa nơi sa mạc. Đây là những biểu tượng của hành trình sự sống giữa nơi khô cằn sỏi đá. Như là hy
vọng, một ngày nào đó, mọi sự sẽ chấm dứt để chỉ còn niềm vui mừng và bình an viên mãn mà thôi.
Đặt trong hy vọng viễn mãn đó, mỗi người được mời gọi nhìn lại mình trong câu chuyện về người
đàn bà hai ngàn năm trước. Đây là trình thuật được chú ý đặc biệt vì theo một số bản văn, câu chuyện
này không thuộc về Tin Mừng theo thánh Gioan. Nhưng rồi, bản văn vẫn được giữ lại để làm nổi bật
lên lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho các kinh sư, biệt phái, người phụ nữ và nhất là cho mỗi
người anh chị em chúng ta trong thân phận như những nhân vật đó.
Vì sao lại như thế? Có lẽ, bởi vì chúng ta là những người như toàn dân khi xưa chạy đến Chúa để
mong được nghe Lời Người giảng dạy. Nhưng đôi lúc, chúng ta đến với Chúa như các kinh sư và
người biệt phái. Chúng ta đến để nhằm thử thách Chúa với ý định tố cáo người khác. Khi đó, chúng ta
đến với sự phán xét người anh chị em chung quanh, như khi chúng ta đi xưng tội mà lại đi méc tội
người khác. Đôi khi, chúng ta đang vô tình xét đoán những người yếu đuối. Vì nếu bắt quả tang ngoại
tình thì người đàn ông ở đâu? Sao chỉ có người phụ nữ? Và nếu đó là trường hợp rõ ràng, thì sao cần
phải đem đến với Chúa làm gì?
Có lẽ, Chúa hiểu được phần nào lòng dạ của chúng ta như ý định của những người kia nên Người đã
chọn cách im lặng và viết trên đất. Thế nhưng, thay vì hồi tâm và nhận định lại thái độ của mình thì
chúng ta cứ mãi thắc mắc, cứ mãi thử thách Chúa. Để rồi, Chúa thăm hỏi chúng ta rằng, nếu chúng ta
sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Điều này cho thấy, người đến với Chúa không chỉ tố cáo
mà còn sẵn sàng cho hành động ném đi của họ theo như luật Mô-sê mà họ trích dẫn.
Lần này, thái độ hung hăng tự đắc với những viên đá trên tay trở thành sự sâu lắng với âm thanh của
sự buông bỏ những viên đá. Sự thật thì tác giả Tin Mừng không nhắc đến những viên đá, nhưng
chúng ta có thể nhận ra chúng trong lời của Chúa Giêsu. Khi này, chúng ta cảm nhận được những
viên đá trong lòng của mình đang rơi xuống khi chúng ta buông bỏ, khi mình nhận ra mình cũng là
những người tội lỗi. Vì chính khi nhận ra thân phận tội lỗi của mình, chúng ta không còn lên án hay
phán xét người anh chị em khác nữa.
Vậy có khi nào chúng ta như người phụ nữ kia bị ép buộc đem đến với Chúa? Khi đó, chúng ta nằm
trong tư thế bị động vì là tội nhân nên không có sự lựa chọn. Để rồi, chúng ta lại được đặt vào vị thế
xem xét người khác khi được Chúa hỏi là những người khác đâu cả rồi. Từ vị thế bị động chúng ta
được Chúa đặt vào vị thế chủ động để nhận ra thái độ của người người tố cáo hay lên án mình. Cuối
cùng, chúng ta nhận ra, không ai có mặt để lên án mình nữa.
Kết quả, chính Chúa là Đấng Phán Xét đã ngỏ lời với chúng ta rằng Người không lên án hay phán xét
ai cả. Hơn nữa, Chúa còn mời gọi chúng ta từ nay đừng phạm tội nữa. Đây là một lời mời gọi nhẹ
nhàng nhưng thật không dễ thực hiện. Vì gần Chúa, được Chúa yêu thương, chúng ta được sống trong
ân sủng. Nhưng rồi khi trở về, chúng ta có xa Chúa có quay lại với đường xưa lối cũ hay không? Câu
trả lời sẽ do mỗi người chúng ta quyết định, như sau khi lãnh nhận ơn hoà giải, chúng ta sẽ thật lòng
ăn năn sám hối và cố gắng không phạm tội nữa.
Thật ra, câu trả lời không phụ thuộc vào việc chúng ta có phạm nữa hay không, mà đúng hơn, chúng
ta hãy biết hướng về phía trước. Như dân Chúa khi xưa và chính thánh Phaolô, tất cả chúng ta hãy hy
vọng hướng về phía trước. Vì khi đến với Chúa, chúng ta không chỉ hạ mình nhận ra thân phận tội
nhân của mình, mà còn nhận ra sự tha thứ của Chúa. Chúng ta được đồng hình đồng dạng với Chúa
khi chết đi cho tội lỗi, để rồi sống lại với Người. Như thế, phép lành hoà giải không phải là một phần
thưởng, hay được hoàn thiện, mà sẽ là một khởi đầu mới.
Chúng ta hy vọng rằng, trong hành trình mới này, chúng ta sẽ luôn tiến lên phía trước. Trong hành
trình vững tiến này, cũng như thánh Phaolô, chúng ta không dám nhận mình đã tới đích, không dám
khẳng định đã lãnh nhận được phần thưởng cuối cùng. Nhưng chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng, chúng
ta đến gần Chúa mỗi ngày một hơn. Và khi ở cuối chặng đường với sự viên mãn, chúng ta sẽ không
còn ở xa Chúa nữa mà được luôn ở bên Người. Đó cũng chính là hy vọng của chúng ta vì một giây
phút bên Chúa thôi cũng thật hạnh phúc rồi, chứ không dừng lại ở câu trả lời có phạm tội nữa hay không?
Nguyện ước cho chúng ta luôn đến với Chúa dù chủ động hay bị động thì cũng để lãnh nhận hồng
phúc hoà giải với hy vọng về sự viên mãn chứ không phải để phán xét hay bị phán xét. Amen