Nov242024

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Lễ Kitô Vua. Dn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33b-37

 

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ

 

Vua Của Nước Nào?

Khi nói về ngày Lễ Kitô Vua, có người gợi ý chia sẻ sao cho hùng hồn, cho thật là ‘chất.’ Có lẽ, xét
về phương diện nào đó, danh xưng Vua Các Vua, Chúa Các Chúa đã in sâu vào lòng nhiều người
tín hữu. Đặc biệt là người công giáo Việt Nam gắn liền với nhiều triều đại Vua Chúa nên cảm thức
về các vị Vua khá là đặc biệt. Đặc biệt nhất là các vị vua biết sống và cai trị như một vị minh quân
khi luôn biết yêu thương và chăm sóc người dân. Vị Vua ‘đúng chuẩn, đúng chất’ theo nghĩa thế
gian là thế. Vậy còn Chúa Giêsu Kitô, vị Thiên Chúa là Vua thì sao, có phải Nước của Người không
thuộc về thế gian này và Người không cai quản thế sự ở trần gian này hay không?
Lược lại lịch sử, ngày lễ Chúa Kitô Vua chính thức đi vào lịch phụng vụ vào ngày 11 tháng 12 năm
1925. Ngày lễ nhắc nhở mỗi người tín hữu về Chúa Giêsu Kitô là vị vua tối cao duy nhất, Người
chăm sóc và hướng dẫn bằng sự thật và tình yêu, vượt trên mọi quốc gia và tương quan thế trần.
Vì là Chúa Giêsu Kitô là Alpha và Omega, là khởi nguyên và tận cùng nên điểm đáng chú ý của lễ
Kitô Vua cũng chính là ngày kết thúc năm phụng vụ. Có thể nói, đây là dịp lễ tất niên theo lịch
phụng vụ, là lúc ôn cố tri tân, là nhắc lại chuyện cũ để biết hơn về điều mới.
Chuyện cũ vẫn là Chúa Giêsu là Vua, là Đấng lãnh nhận quyền thống trị, vinh quang và vương vị
như bài trích sách Đanien. Sự lãnh nhận này dẫn đến sự thừa nhận của toàn thể mọi dân tộc, quốc
gia và ngôn ngữ. Uy quyền của Người là vĩnh cữu, không mai một và vương quốc của Người sẽ
chẳng hề suy vọng. Điều này xem ra rất là kêu, rất là chất, hay theo giới thạo tin gọi là rất chi là
phong bạt. Điều này có thể đúng với con người, nhưng với Thiên Chúa thì không phải thế. Vì có
tuyên xưng Chúa như thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ giới hạn Người mà thôi. Sự thật thì Chúa
cần chi đến làm màu, cần gì thể hiện những gì không thuộc về mình? Uy quyền của Chúa thì
không ai có thể cân đo đong đếm được, như tình yêu và sự thật phủ lấp mọi sự.
Thế mới biết, thay vì trả lời, Chúa Giêsu đã chất vấn ngược lại quan Philatô, “Ngài tự ý nói điều
đó, hay những người khác đã với Ngài về tôi?” khi quan này hỏi Chúa có phải là Vua dân Do Thái
không. Vị quan này đã lúng túng rồi bàn qua vấn đề khác, về những gì Chúa Giêsu đã làm. Như
hiểu được sự lúng túng của quan, Chúa Giêsu khẳng định, Nước tôi không thuộc về thế gian này.
Một sự khẳng định cho thấy quyền lực thế gian có thể tác động trên thân xác của Chúa Giêsu
nhưng không thể đụng chạm đến vương quyền của Người. Vương quyền của Người không được
xây dựng trên sự cai trị bất công, trên sự đàn áp hay ép buộc. Vương quyền của Chúa chính là tình
yêu và sự thật.
Quả là thế, Chúa Giêsu không trực tiếp khẳng định mình là Vua nhưng lại quả quyết Người sinh ra
và đến trong thế gian là để làm chứng cho sự thật. Những ai tôn trọng sự thật thì sẽ thấu tỏ tiếng
nói Tình Yêu của Người. Như chính thánh Gioan khẳng định trong sách Khải Huyền, Chúa Giêsu
Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Thử và là Thủ Lãnh mọi vương đế. Vương quyền
của Người được thể hiện bằng tình yêu dâng hiến chính mình, lấy máu mà rửa sạch mọi tội lỗi. Để
rồi, mỗi người khi được thanh tẩy bằng máu người thì gia nhập vào hàng vương đế, tư tế và ngôn
sứ của Thiên Chúa.
Nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô là Vua, mỗi người chúng ta cũng xem lại vai trò vương đế của mình.
Chúng ta đã làm chứng cho sự thật hay là sẵn sàng gian dối, lộc lừa, chạy theo cái lợi trước mắt
mà từ chối Chúa? Chúng ta đã yêu thương anh chị em chung quanh hay sẵn sàng lấy máu tha
nhân hơn là đỗ máu mình ra. Chúng ta cưỡng chế, áp đặt hay để mọi người tự do tự nguyện bước
theo Chúa? Ước mong sao, mỗi người đều nhận ra triều đại Thiên Chúa không chỉ sớm nở tối tàn,
không bị giới hạn nơi thế trần này và trãi rộng mọi nơi, mọi thời và vô cùng vô tận. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.