Nov172024
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. 2 Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Lc 9,23-26
Tuẫn Đạo – Cứu Lấy Mạng Mình
Hằng năm, giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Nhiều người dí
dỏm cho rằng, làm thánh cũng thật là dễ vì cứ chấp nhận chịu chết để chứng minh cho đức tin là
được. Một người nói vui thì có thể chấp nhận, thực tế nhiều người muốn sống cũng không được mà
chết cũng không xong. Nhiều người, thay vì tuẫn đạo, nghĩa là chết vì đạo – đi trên con đường sống,
thì lại đi vào ‘tử đạo,’ vào con đường chết chóc. Con đường này minh chứng cho một văn hoá sự
chết, một con đường tưởng rằng cứu được mạng mình mà thực tế thì mất mạng lúc nào không hay.
Vậy thì người tín hữu cần hiểu con đường Tử Vì Đạo hay Tuẫn Đạo như thế nào để cứu lấy mạng mình?
Một điểm rõ ràng, con đường sống không hề bằng phẳng hay rộng lớn mà lại gập gềnh và nhỏ hẹp.
Đây là một con đường cần sự can đảm đón nhận và vững lòng trông cậy. Can đảm đón nhận như
một người mẹ có bảy người con chịu chết trong một ngày. Thông thường, tổn thương vì sự ra đi của
một người đã rất sâu đậm, mà trường hợp người mẹ đối diện với sự mất mát không chỉ một mà bảy
người. Bảy người này không ai khác mà chính là những con rứt ruột đẻ ra của người mẹ này. Con số
bảy đã kiện toàn sự đón nhận của người mẹ một cách tự nguyện khi sẵn sàng khuyến khích những
người con của mình. Ví như hình ảnh của thánh Annê Đê, thánh nhân đón nhận mọi cực hình xảy
đến cho mình rồi còn khuyên bảo các người con hãy vững lòng trong cậy. Thánh nhân xem những
vết thương như là những bông hoa trên cơ thể của mình. Điều này thể hiện sự tuẩn đảo mà cứu lấy
mạng mình.
Cũng thế, con đường sự sống đã được minh chứng qua lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô. Một lời nói
như một lời mời hỏi thăm, “Ai muốn theo tôi.” Quả thật, Chúa không bao giờ bắt buộc ai phải đi
theo Chúa. Thế mà lại có người cho rằng, con lỡ vào đạo rồi, hay con buộc phải theo đạo mới có
điều này, mới được điều kia. Nếu như thế thì đâu có sự tự nguyện, mà ngược lại là sự cam chịu, sự
chấp nhận thụ động. Điều đó xem ra là không vui lắm vì lời tiếp theo của Chúa không còn là lời mời
mà là một mệnh lệnh. Một mệnh truyền “phải từ bỏ chính mình,” từ bỏ như là liều mất mạng của
mình vậy.
Sự từ bỏ này cho thấy một sự quả quyết, kiên định đi theo Chúa. Bởi lẽ, biết mình đã là một hành
trình mà nay Chúa còn ra lệnh từ bỏ; giữ được mạng sống đã là không dễ dàng mà Chúa lại có lệnh
liều mất nó. Dường như Chúa không chừa cho người theo Chúa một con đường lui khi đã bước chân
theo Chúa là tiến bước. Dù bản thân mỗi người, nhất là mạng sống, có trở thành một rào cản, một
vấp ngã thì theo Chúa là học cách từ bỏ nó. Thật ra, từ bỏ không phải là đánh mất chính mình, là
mất mạng nhưng ngược lại con người tìm thấy chính mình trong Chúa, và được mạng sống mình
trên quê trời. Như một ví dụ, con rắn quấn lấy cái cưa, càng ra sức quấn chặt thì vết thương càng
sâu, còn khi biết mình bị tổn thương, biết từ bỏ theo nghĩa tự nguyện đón nhận thì sẽ buông mình ra.
Và khi không còn bám víu, không quấn chặt nữa thì sẽ bớt bị tổn thương và còn được chữa lành nữa.
Quả là thế, như thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Rôma đã nhắc nhớ rằng, có Thiên Chúa bên đỡ
thì không có ai có thể chống lại chúng ta. Thánh nhân đã đưa ra một danh sách những khả năng
cũng như những thế lực chống lại chúng ta là: gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ,
gươm giáo; hay là sự chết/sự sống, thiên thần/ ma vương quỷ lực, hiện tại/tương lai, trời cao/vực
thẳm. Thế nhưng, không có một điều gì, hay bất cứ một ai, một thế lực nào có thể thực hiện việc
chia cách, bởi vì có Chúa Cha bên đỡ, có tình yêu của Chúa Con nuôi dưỡng và có sức mạnh của
Chúa Thánh Thần.
Ước mong sao tình yêu Thiên Chúa qua máu đào của các thánh tuẫn đạo Việt Nam luôn giữ mỗi
người anh chị em chúng ta trên con đường cứu mạng, và không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi
tình yêu đó được. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.