Ju192025

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Thứ Năm Tuần XI Thường Niên. 2 Cr 11,1-11; Mt 6,7-15

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

7  Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như
dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời.  8  Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã
biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
9  “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10 triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
12 xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con ;
13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’

14  “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh
em.  15  Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho
anh em.”
Đó là Lời Chúa

“Kinh Lạy Cha” có phải Chúa Giêsu dạy không?

Lời Kinh Lạy Cha như lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa nhất và đã rất quen thuộc với người tín
hữu Kitô giáo. Lời Kinh này thường được hiểu là lời dạy cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho
các môn đệ. Như trong Nghi Thức Hiệp Lễ, lời cầu nguyện được khởi xướng: “Vâng lệnh Chúa
Cứu Thế và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng.” Vâng, nếu đúng theo Lời
Chúa Giêsu dạy thì sao lại có hai phiên bản khác nhau được ghi nhận theo thánh sử Mát-thêu và
Luca. Mặt khác, nếu đây là lời đẹp lòng Chúa nhất thì sao thánh sử Mác-cô và Gioan không ghi
nhận lại lời cầu nguyện đặc biệt này. Phải chăng, lời Kinh Lạy Cha không phải do Chúa Giêsu
truyền dạy?

Thật ra, khi lắng nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta đã phần nào nhận ra nội dung không hoàn
toàn đúng từ đúng chữ với Lời Kinh Lạy Cha chúng ta đọc hằng ngày. Lý do là vì bản dịch
Tiếng Việt đi liền với bản văn theo Tin Mừng Mát-thêu, còn lời Kinh Lạy Cha đã có phần uyển
chuyển cho phù hợp với kinh nguyện và phụng vụ. Hiểu như thế, bản văn Thánh Kinh có những
điểm đặc biệt mời gọi chúng ta tìm kiếm để hiểu hơn về Lời Chúa, không chỉ dường lại ở ý
nghĩa chung chung mà còn tiến sâu vào trong tâm hồn mỗi người nữa.

Nhìn nhận một cách tổng quát, thánh sử Mát-thêu trình thuật Tin Mừng hướng đến những
người Kitô hữu gốc Do Thái nên thường thêm vào những yếu tố đậm chất truyền thống Do Thái
Giáo như “tha nợ chúng con.” Nó đến nợ, người tín hữu gốc Do Thái hiểu ngay vấn đề không
phải là nợ thông thường mà là tội lỗi. Tập trung vào đối tượng khác, thánh sử Luca hướng đến
tất cả mọi người, nên có phần ngắn gọn vào bao quát hơn. Trong khi đó, Mác-cô và Gioan lại
có nội dung truyền đạt tập trung nhắm đến điểm nhấn khác về cuộc đời và sứ vụ của Chúa
Giêsu.

Tập trung vào bản văn, thánh sử Mát-thêu trình thuật trong bối cảnh về bài giảng trên núi và
hướng dẫn các môn đệ biết cách cầu nguyện cách kín đáo, đừng lãi nhãi, đừng nhiều lời, đừng
bắt chước. Sự kín đáo này như một điểm nhấn đặc biệt khi người tín hữu được mời gọi đi vào
trong tương quan với Chúa hơn là dừng lại bên ngoài. Trong sự kín đáo đó, mỗi người sẽ cảm
nhận được phần thưởng yên bình mà chỉ có Chúa mới ban tặng cho.

Đôi chút khác biệt, Luca trình bày trong bối cảnh Chúa Giêsu vừa cầu nguyện xong và có người
môn đệ đến xin Người dạy cách cầu nguyện. Trước lời Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu nhắc nhở
Mát-ta đừng quá băn khoăn lo lắng nhiều chuyện và khuyên bảo cần tập trung vào điều gì cần
thiết để có thể chọn phần tốt nhất như Maria. Điều cần thiết tốt nhất đó không giới hạn ở sự
chiêm niệm mà biết luôn lắng nghe Lời Chúa để rồi dấn thân phục vụ. Sau Lời Kinh Lạy Cha,
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy biết kiên trì cầu nguyện vì cứ lì ra xin thì sẽ được.

Hiểu như thế, lời Kinh Lạy Cha dù không được ghi nhận bởi bốn thánh sử nhưng cũng thể hiện
rõ ràng lời dạy của Chúa Giêsu về cầu nguyện. Trong đó, điểm nhấn đặc biệt của Mát-thêu
chính là sự kín đáo với lời ước nguyện tha thứ cho anh chị em chung quanh trước khi được
Chúa tha thứ cho mình. Điểm nhấn thật sự đâm xuyên vào tâm hồn mỗi người chúng ta, bởi vì
bài học tha thứ cứ học mãi mà chưa ra trường. Chúng ta cứ mãi nguyện ước được Chúa tha thứ
mà chính mình lại chưa thể thứ tha. Có người còn lo lắng và phân vân làm sao Chúa có thể tha
thứ cho mình trong khi mình chưa tha thứ cho anh chị em khác.

Câu trả lời chắc chắn là Chúa luôn tha thứ cho chúng ta khi mình chạy đến với Lòng Thương
Xót Chúa. Còn nếu chúng ta chưa thể tha thứ tất cả là có khi chưa nhận ra mình tha thứ để được
tự do. Khi chưa tha thứ thì chúng ta như đang trong tình trạng mình uống thuốc độc nhưng
mong người khác trúng độc. Nó làm cho chúng ta chìm trong nóng giận, chua chát, và oán hờn.
Cho đến khi chúng ta tha thứ thì cũng là lúc mình thoát ra khỏi vòng xoáy đó để tiến bước trong
bình an và cảm nhận sự chữa lành. Thế nên, mỗi lần đọc Kinh Lạy Cha là một lần nữa chúng ta
thực tập bài học tha thứ, để lãnh nhận phương thức chữa lành.

Nguyện ước sao, chính Lời Chúa Giêsu truyền dạy sẽ là thuốc chữa lành mỗi ngày của anh chị
em chúng ta khi mình biết tha thứ như Chúa luôn thứ tha cho mình. Amen.