Jun082025

Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7,12-13; Ga 20,19-23

Thánh Thần hiện xuống hay được lãnh nhận?

Nhắc đến Thánh Thần, nhiều người sẽ nhớ đến những hình ảnh biểu tượng như là một cách cảm nhận
được sự hiện diện của Ngôi Ba. Điều này được minh chứng từ trong các trình thuật về Chúa Thánh
Thần trong Kinh Thánh. Ví như hình ảnh bồ câu trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa theo Tin
Mừng Mát-thêu, Mác-cô, Luca, và được nhắc đến trong Gioan (Mt 3:16, Mc 1:10, Lc 3:22, Ga 1:32),
hay cảm nhận về tiếng gió và lưỡi lửa trong sách Công vụ Tông đồ (Cv 2,2-3). Tập trung vào Tin
Mừng Gioan, chúng ta nhận ra Chúa Thánh Thần có danh xưng đặc biệt là Đấng Bảo Trợ. Đấng này
được nhắc đến nhiều lần trong những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trước Sự Thương Khó. Thế mà,
trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta lại nghe nói đến một hình ảnh Thánh Thần đến từ việc thổi hơi
của Chúa Giêsu Phục Sinh. Vậy có khi nào chúng ta thắc mắc, Thánh Thần mà chúng ta nhận được là
đấng hiện xuống hay là được lãnh nhận từ Chúa Giêsu không?

Câu trả lời có thể đến từ Tin Mừng theo thánh Gioan khi Thánh Thần hay Đấng Bảo Trợ được nhắc
đến qua danh từ Hy Lạp, πνεῦμα (pneuma), đến 24 lần. Danh từ này có thể được hiểu theo năm nghĩa
chính là: Thần Khí theo nghĩa Thiên Chúa, Thần Khí Sự Thật, Chúa Thánh Thần, thần khí theo nghĩa
con người, và gió. Qua đó, chúng ta nhận ra sự hiện diện rõ ràng về Chúa Thánh Thần như là Thần Khí
Sự Thật, và Ngôi Ba Thiên Chúa, nhưng khá mơ hồ về Thần Khí theo nghĩa Thiên Chúa và thần khí
đậm tính con người. Vì sự thường, người tín hữu chỉ tin theo một thói quen hay một điều bắt buộc mà
không dành đôi chút thời gian nhìn nhận lại đức tin. Như thế, người theo Chúa sẽ có thể lạc lối đâu đó
vì mình chưa rõ mình tin vào ai và lãnh nhận được gì.

Thật ra, trong Tin Mừng Gioan, danh xưng đầy đủ Chúa Thánh Thần, Πνεῦμα Ἅγιον (Pneuma
Hagion), chỉ được nhắc đến ba lần. Lần đầu tiên là trong phép rửa (Ga 1,33), lần thứ hai là xác nhận
Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ (Ga 14,26) và lần thứ ba trong Tin Mừng Lễ Chúa Thánh Thần
hiện xuống hôm nay (Ga 20,22). Lược qua như thế để chúng ta hiểu hơn vì sao Phụng Vụ Giáo Hội
cho phép chọn một trong hai bài về Chúa Thánh Thần mà không chọn các bài khác liên quan đến Thần
Khí Thiên Tính hay Nhân Tính của Chúa Giêsu. Như thế, việc Chúa Giêsu thổi hơi và trao ban không
chỉ dừng lại ở hơi thở của Người mà được nhấn mạnh là trao ban Chúa Thánh Thần. Thế nên, bản dịch
đầy đủ nên là “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.”

Chính nhờ Chúa Thánh Thần này mà các môn đệ theo cách riêng, và tất cả mọi người theo Chúa một
cách chung được mời gọi, hãy tha tội và nắm giữ người anh chị em vào trong cộng đoàn. Chứ mỗi
người đừng hiểu lầm mình có quyền tha tội và nắm giữ theo nghĩa không tha thứ vì đã được lãnh nhận
Chúa Thánh Thần. Quả là thế, Chúa Thánh Thần đến để thánh hoá, để ban ơn cho mỗi người theo cách
riêng và để mọi người nhận ra sự khác biệt mà bù đắp trong sự hiệp nhất. Chúa Thánh Thần không
được lãnh nhận để gia tăng quyền lực, để đem đến sự chia rẻ, trói buộc nhau.

Như thế, Chúa Thánh Thần hiện xuống theo trình thuật của Công Vụ Tông Đồ như là một cách diễn tả
cho thấy sự hiện diện rõ ràng của Người. Chúa Thánh Thần cũng được chính Chúa Giêsu trao ban theo
Tin mừng Gioan để các môn đệ lãnh nhận như chính Chúa đã lãnh nhận trong khi chịu phép rửa, như
chính Chúa đã hứa ban Đấng Bảo Trợ. Nhận định như thế, mỗi người chúng ta nhận ra Chúa Thánh
Thần không chỉ hiện xuống như những biểu tượng mà thật sự hiện diện trong mỗi người. Để rồi, chúng
ta biết mình luôn được bảo vệ, luôn được hướng dẫn, luôn được thánh hoá trong những bước chân trên
nẽo chính đường ngay. Điều này cũng nhắc nhớ chúng ta về Bí Tích Thêm Sức, khi chúng ta chính
thức được công nhận là người Kitô hữu trưởng thành, những chứng nhân hy vọng trong đời sống.

Nguyện ước sao, mỗi người tín hữu không chỉ nhìn về Chúa Thánh Thần như những biểu tượng, những
gì có thể thấy bên ngoài mà thật sự cảm nhận được Chúa trong cuộc đời mình, để rồi mỗi ngày người theo Chúa sẽ luôn biết yêu thương và tha thứ, luôn biết ôm ấp anh chị em chung quanh trong đời sống
sống động của giáo hội qua cộng đoàn, gia đình và trong chính nội tâm mình. Amen.