Jun052025

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh. Cv 22,30; 23,6-11. Ga 17,20-26

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

20  Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, Con không chỉ cầu
nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con,  21  để tất cả
nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế
gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.  22  Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho
con, để họ được nên một như chúng ta là một :  23  Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được
hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ
như đã yêu thương con.

24  “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với
con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã
yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.  25  Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã
không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai
con.  26  Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con,
ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
Đó là Lời Chúa

Biết Chúa, và biết nhau

Khi tiếp cận các bài đọc Thánh Kinh, một số người có thói quen đặc biệt là chú ý và đếm số lần
xuất hiện của một số từ. Nhờ thói quen này, một mặt tạo hứng thú cho việc tìm hiểu bản văn,
mặt khác cũng diễn tả một phần nội dung chính của bài đọc đó. Ví như bài đọc hôm nay, có
người khẳng định, hạn từ ‘một’ trong “nên một,’ hay “là một” được lặp lại nhiều nhất. Người
khác cho rằng, động từ “yêu thương” mới được nhắc đến nhiều nhất. Đây cũng có thể được
xem là hai chủ để chính trong bài trích phúc âm theo thánh Gioan. Thế nhưng, hai từ này chỉ
xuất hiện bốn lần, trong khi đó, động từ “biết”, γινώσκω (ginóskó) xuất hiện nhiều hơn, sáu lần
trong bài đọc hôm nay. Vậy phải chăng, sự hiệp nhất và yêu thương cần được đặt trên nên tảng
là biết Chúa và biết nhau?

Đọc lại những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trước Cuộc Thương Khó, khi mà “giờ của Người”
đã đến, mỗi người sẽ có những tâm tình khác nhau. Người thường xuyên tham dự thánh lễ hằng
ngày sẽ tạ ơn Chúa theo cách dí dõm rằng, “Tạ ơn Chúa, cuối cùng bữa tiệc cũng kết thúc rồi,
con không còn phải nghe Tin Mừng theo thánh Gioan nữa.” Người khác thì trấn an, “Vẫn chưa
đâu, ngày mai còn được nghe tiếp nhé!” Đùa vui như thế để nhận ra, chúng ta ‘biết’ và quan
tâm nhiều đến Lời Chúa và các bài đọc trong Thánh Lễ hơn là chúng ta nghĩ. Vì thật ra, những
ai ‘biết’ các bài đọc và thường xuyên suy niệm hằng ngày mới nhận ra, các bài đọc theo Tin
Mừng Gioan cứ tiếp nối nhau suốt trong mùa Phục Sinh.

Điều này giúp chúng ta biết rõ hơn về tâm tình của Chúa Giêsu, cách đặc biệt là những lời cầu
nguyện như những lời tự thuật của Người trước Cuộc Thương Khó. Chúa Giêsu có rất nhiều
tâm tình khác nhau, mà Người muốn trao ban cho tất cả các môn đệ. Tất cả những ai trực tiếp
theo Người cũng như những ai biết và bước đi theo qua những chứng nhân Tin Mừng, đều nằm
trong nguyện ước của Chúa Giêsu. Nguyện ước đó được thể hiện qua sự kết hợp nên một trong
nhau, qua tình yêu thương mới mẽ và cách đặc biệt là qua sự “nhận biết.” Một sự nhận biết
không chỉ dừng lại ở bề ngoài nhưng đi sâu vào trong tâm hồn của mỗi người.

Quả là thế, tác giả Tin Mừng Gioan đã sử dựng động từ γινώσκω (ginóskó) trong tiếng Hy Lạp
để diễn tả phần nào về sự nhận biết. Động từ này nhấn mạnh đến hành động ‘biết’ hận biết, một

cách đặc biệt là ‘biết’ thông qua “cảm nghiệm cá nhân.” ‘Biết’ không chỉ dừng lại ở sự hiểu
biết về mặt thông tin, nhưng là sự hiểu biết mang tính cá vị, tính riêng tư của mỗi người. Như
chúng ta thường hiểu với nhau rằng, ‘biết’ không chỉ là biết về ai đó, mà ‘biết trong tương
quan’ thân mật với nhau. ‘Biết’ như những người thân trong một gia đình, như những người
bạn thân thiết, như những cặp đôi thấu tỏ nhau.

Đối chiếu một chút với các Tin Mừng khác, ‘biết’ được thể hiện như thiếu nữ Maria thưa cùng
sứ thần, “tôi không biết đến việc vợ chồng!” Đức Maria đã rõ ràng khẳng định, Mẹ không có
một kinh nghiệm cá nhân riêng tư thân mật nào cả. Như có người hay dí dỏm rằng, Đức Mẹ
không biết đến người nam, nên nếu Mẹ Maria là người Việt Nam thì chắc là sinh ra lớn lên ở
miền Bắc. Gợi ý một chút như thế để nhận ra, hành động ‘biết’ Thiên Chúa trong lời mời gọi
của Chúa Giêsu không dừng lại ở thông tin, thời gian, địa điểm và đi sâu vào trong tương quan
thân mật cá nhân.

‘Biết’ như thế không bao giờ là đủ, không bao giờ có điểm dừng, nhưng là một hành trình tiếp
diễn mãi. Vì ‘biết’ không chỉ là trong tương quan với Chúa mà còn ‘biết’ trong tương quan với
anh chị em chung quanh nữa. “Biết’ như bài giáo lý vỡ lòng, em học giáo lý để ‘biết Thiên
Chúa là Cha và mọi người là anh chị em.” ‘Biết’ như trong thực tế đời sống, người tín hữu luôn
được mời gọi đi sâu vào trong tương quan với Chúa và với anh chị em để cảm nhận tính nên
một trong giáo hội, để cảm nhận sự yêu thương trong một gia đình.

Chúng ta cùng nguyện ước cho sự ‘biết Chúa’, và ‘biết nhau’ thật sự cho mình và cho mỗi
người tín hữu, để rồi chúng ta có thể luôn sống tình yêu thương và hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã
chối lại cho chúng ta trong lời nguyện ước của Người. Amen.