May252025

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Chúa Nhật VI PS. Cv 15,1-2. 22-29. Kn 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29 

Đấng Bảo Trợ ‘thay thế’ Chúa Giêsu? 

Trong Thánh Kinh, Thánh Thần hay được nhắc đến, thế nhưng, chỉ có Tin Mừng và Thư Thứ Nhất của
Thánh Gioan nhắc đến Đấng Bảo Trợ. Đây là một Đấng đặc biệt thường được nhắc đến trong các dịp
đặc biệt. Ví như, khi kết quả của Mật Nghị với sự xuất hiện của Giáo Hoàng được công bố rộng rãi thì
nhiều người nhận định đây là kết quả của Chúa Thánh Thần. Đấng Bảo Trợ này đã giúp đỡ, an ũi và
hướng dẫn đời sống Đức Tin của người tín hữu trong hành trình hy vọng. Vậy phải chăng, khi Chúa
Giêsu không còn hiện diện hữu hình nữa thì Đấng Bảo Trợ chính là hiện diện vô hình của Người?

Lượt lại một phần lịch sử giáo hội sơ khai qua trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ, một bước giao
thoa đã được ghi nhận lại với công đồng đầu tiên, Công Đồng Giêrusalem. Với sự có mặt và lắng nghe
nhau, các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh đã đưa ra bức thư đầu tiên. Bức thư
này thể hiện bước ngoặt rõ ràng của Giáo Hội khi tách mình ra khỏi nguồn gốc Do Thái, không còn
giới hạn ở ‘dân riêng’ mà trở thành nhà cho tất cả mọi người. Cách đặc biệt, nội dung nhắc đến Thánh
Thần như là Đấng Hướng Dẫn Giáo Hội đưa ra quyết định. Quyết định này là để cất đi những gánh
nặng không cần thiết của lề luật. Hiểu như thế, Thánh Thần không phải là Đấng thay thế, nhưng là
Đấng soi dẫn cho Giáo Hội đưa ra những quyết định đúng đắn.

Sự soi dẫn này được Chúa Giêsu nhắc đến với một danh xưng đặc biệt trong Tin Mừng theo Thánh
Gioan. Đó là Đấng Bảo Trợ được nhắc đến như một Người khác (Ga 14,16) như nhấn mạnh chính
Chúa Giêsu cũng vẫn luôn hiện diện với các tín hữu. Vì thật ra, thuật ngữ Hy Lạp paraklêtos được sử
dụng theo nhiều nghĩa khác nhau như là trạng sư, người bào chữa, người trợ giúp, người bênh vực,
người an ũi hay người chuyển cầu. Trong các nghĩa này, Đấng Bảo Trợ được nhấn mạnh vì chính Chúa
Giêsu cũng đã luôn hiện diện và bảo trợ các muôn đệ của Người.

Lược lại Tin Mừng Gioan, Đấng Bảo Trợ được cụ thể hoá với nhiều vai trò khác nhau. Người là Đấng
Hướng Dẫn giúp người tín hữu thấu hiểu hơn về lời dạy của Chúa Giêsu (Ga 14:26) và tiến dần về
chân lý (Ga 16,13). Người cũng là Đấng Chứng Nhân cho Chúa Giêsu và giúp các môn đệ cũng trở
nên nhân chứng sống động (Ga 15,26). Người là Đấng Phân Định để cho thế gian nhận ra chân lý thật
sự tránh khỏi sự u tối và bất chính (Ga 16,8-11). Đôi nét như thế, chúng ta nhận ra Chúa Thánh Thần là
một ngôi vị đặc biệt như tiếp nối công việc của Chúa Cha trao phó cho Chúa Giêsu. Theo thời gian,
Đấng Bảo Trợ dường như đến sau Chúa Giêsu, nhưng thật ra Người vẫn luôn hiện diện và đồng hành
trong mỗi người.

Hiểu như thế, chúng ta sẽ không lầm tưởng là Chúa Giêsu đã xong việc nên trao phó lại cho Đấng Bảo
Trợ hay Đấng Bảo Trợ xuất hiện để thay thế Chúa Giêsu. Đúng hơn, người tín hữu nhận ra có sự hiện
diện đặc biệt của Thiên Chúa trong đời sống Giáo Hội. Có khác chăng, vì giới hạn về ngôn ngữ và cảm
nhận, mỗi người tín hữu nhận ra sự có mặt của Thiên Chúa qua từng ngôi vị khác nhau. Một Thiên
Chúa như Cha Mẹ luôn yêu thương, chăm sóc những người con, dù những người con có ngoan thật hay
ngoan cố đi chăng nữa. Một Thiên Chúa như người anh đã hiện diện qua thân xác trong gia đình nhận
loại và đã yêu thương bằng tình yêu trao hiến tất cả, kể cả mạng sống. Một Thiên Chúa như người
thầy, người bạn, người đồng hành luôn đồng hành trong từng giai đoạn khác nhau của cuộc hành trình.

Và như thế, Thiên Chúa của chúng ta không phải là người thế vai, hay người làm việc theo những chức
năng khác nhau, nhưng luôn hiệp nhất và có mặt trong đời sống con người. Đối diện với Thiên Chúa
như thế, chúng ta nhận ra một thị kiến như là sự nối kết trời với đất đã được trình thuật trong sách Khải
Huyền. Sự nối kết đó diễn ra trong chính mỗi người chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa với sự hiện
diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Một cách cụ thể, chúng ta được mời gọi hãy là thể hiện tình yêu thương

qua sự bảo trợ để luôn nâng đỡ nhau. Chúng ta không cần ai thay thế mà cũng chẳng thay thế ai mà hãy
sống như chính mình.

Nguyện ước sao, chúng ta luôn nhận ra sự bảo trợ của Thánh Thần, sự hiện diện của Chúa Giêsu và
tình yêu của Chúa Cha để nhận ra vai trò độc nhất của mình trong đời sống hằng ngày. Amen.