Apr302025
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Giuse Thợ. St 1,26-2,3; Mt 13,54-58
Làm ‘thợ’ cân bằng như thánh Giuse
Có người cho rằng, ngày quốc tế Lao Động thì nên ra công làm việc nhiều hơn chứ không nên là
ngày nghỉ ngơi. Vì lẽ, vinh danh điều gì thì nên thực hiện điều đó nhiều hơn mới phải, chứ hành
động ngược lại thì xem ra không hợp lý cho lắm. Thế nhưng, thực tế đời sống cần có sự cân bằng để
có sự hoà hợp chứ không nên nghiêng về một thái cực mà mất cân bằng. Ví như hoạt động của
Thiên Chúa trong công trình sáng tạo theo trình thuật đầu tiên, Người đã sáng tạo muôn vật trong
sáu ngày và nghỉ ngơi trong ngày thứ bảy. Vậy phải chăng, con người trong khi hoạt động cũng cần
có sự sắp xếp để nghỉ ngơi và phải biết nghỉ ngơi thế nào cho hoà hợp?
Nhắc lại trình thuật sáng tạo đầu tiên, sách Sáng thế nhấn mạnh đến sự hoà hợp cân bằng giữa muôn
loài Thiên Chúa tạo dựng, mà đỉnh cao chính là con người. Con người được mang hình ảnh Thiên
Chúa như cách hiểu là vị đại diện của Người mà cai quản công trình sáng tạo. Sự cai quản đó mời
gọi con người hãy biết trân trọng và thánh hoá trong sự hoà hợp với muôn loài. Vì dù là vị đại diện
thì con người cũng chỉ là một phần của công trình sáng tạo, cũng chỉ là thân phận từ bụi đất mà thôi.
Như thế, mỗi người được mời gọi hãy biết thánh hoá mọi việc mình làm trong sự hoà hợp chứ
không phải cưỡng ép hay phá huỷ. Như chính Thiên Chúa đã ban phúc lành và thánh hoá ngày thứ
bảy thì con người cũng cần có điểm ngừng để chiêm ngắm và an nghỉ với Chúa.
Một mẫu gương về chiêm ngắm và an nghỉ có thể được nhắc đến và làm nổi bật chính là Thánh
Giuse. Nhìn về thánh Giuse, chúng ta cảm nhận được một khuôn mặt ẩn dấu, làm nhiều hơn nói.
Quả thế, toàn bộ bốn Tin Mừng không trình thuật lại bất cứ một câu nào của thánh Giuse. Ngay cả,
biến cố truyền tin cho thánh nhân cũng là trong một giấc mơ và thánh nhân cũng không nói một câu
nào. Thánh nhân được thánh sử Mátthêu ưu ái nhắc đến nhiều nhất với trình bày là dòng dõi Vua
Đavít (Mt 1,1-16; Lc 3:23-38), là người công chính và là người sẵn sàng tuân theo lệnh truyền của
Thiên Chúa (Mt 1,19-25; 2,13-23). Cùng với Tin Mừng khác, thánh Giuse được giới thiệu gián tiếp
qua Chúa Giêsu là con ông Giuse (Lc 4:22; John 1:45, 6:42).
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Giuse được giới thiệu là một bác thợ theo nghĩa chung, và đôi khi
được hiểu theo nghĩa cụ thể là bác thợ mộc. Dù theo nghĩa nào thì theo cách hiểu của dân chúng,
thân phận con bác thợ này xem ra không gắn với sự khôn ngoan và những phép lạ mà Chúa Giêsu
thực hiện. Qua lời tự hỏi như lời chất vấn, dân chúng được trình thuật với một gương mặt sửng sốt
và thái độ thiếu đón nhận. Thái độ đó được xác định là sự rẻ rúng và lòng không tin với ý nghĩa sâu
xa hơn là sự từ chối hay loại bỏ ẩn chứa trong lòng họ.
Trong bối cảnh hoài nghi và loại trừ dành cho Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra lắm lúc chúng ta giới
hạn lao động trong các công việc chân tay, dùng sức lực hơn là trí óc. Để rồi, chúng ta xem nhẹ
những công việc chân chính này mà xem nó là tầm thường, không đáng nhắc tới. Nếu đúng như thế,
chúng ta được mời gọi nhận ra, hoạt động trí óc khó có thể diễn ra nếu thiếu đi những hoạt động thể
chất thông thường. Vì lắm lúc, những gì chúng ta thấy diễn ra thường xuyên và dễ dàng đã tạo ra
một giới hạn tầm nhìn của mình. Thế là, chúng ta không còn mở ra để đón nhận những cái mới,
những điều tuyệt vời trước mắt chúng ta.
Như thánh sử Mátthêu nhìn nhận Chúa Giêsu không bị giới hạn là một người thợ khi có xuất thân là
con của bác thợ. Chính Chúa Giêsu cũng không chối bỏ xuất thân của mình nhưng nhắc nhở dân
chúng rằng, giá trị con người không hệ tại ở công việc thông thường của người đó, mà quan trọng
hơn là sự dung hoà và đón nhận mọi người trong mọi việc. Như chính thánh Giuse, chỉ là một bác
thợ nơi miền quê Nagiarét cũng đã nuôi dưỡng con Một Thiên Chúa, giữ gìn hạnh phúc Thánh Gia
khi sẵn sàng đón nhận mọi sự mà không cần nói nhiều. Đó là một sự cân bằng giữa làm việc và sống.
Nguyện ước sao, mỗi người chúng ta sẽ luôn biết thánh hoá công ăn việc làm của mình, để rồi dù ở
bối cảnh nào, chúng ta cũng là người công chính, đón nhận cái mới và mở với mọi người để có sự
cân bằng trong cuộc sống. Amen.