Apr202025

Fr Thắng nguyễn Như MSC

CHÚA NHẬT PHỤC SINH – Năm C
– Bài đọc I: Cv 10:34a.37-43
– Bài đọc II: Cl 3:1-4
– Tin Mừng: Ga 20:1-9
Chúa đã sống lại! Ha-lê-lui-a!
Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan Mừng Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Sự Phục Sinh của Chúa Giê-su không chỉ là một sự kiện lịch sử mà còn là nền tảng rất quan trọng cho đức tin Ki-tô giáo. Thế nhưng, nền tảng quan trọng này lại không thể được minh chứng bằng khoa học thực nghiệm mà chỉ dựa trên ba cơ sở được ghi lại trong Kinh Thánh: 1/ ngôi mộ trống, 2/ những lần hiện ra của Chúa Giê-su Phục Sinh, và 3/ việc làm chứng của các môn đệ. Vậy, ba cở sở quan trọng này có ý nghĩa như thế nào cho đời sống đức tin Ki-tô hữu?
1. NGÔI MỘ TRỐNG
Đối với người không có đức tin, ngôi mộ là nơi kết thúc mọi sự: chết là hết. Có lẽ, đây cũng là tâm trạng của các môn đệ khi chứng kiến Chúa Giê-su bị chôn trong huyệt mộ. Dường như ngôi mộ đó đã chôn vùi tất cả mọi ước mơ, nhiệt huyết, niềm tin, và hy vọng của họ.
Sự kiện ngôi mộ trống cùng với các băng vải liệm đặt trên giường là dấu chỉ đầu tiên cho sự phục sinh của Chúa Giê-su. Các môn đệ của Chúa Giê-su, cụ thể là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, Phê-rô và Gio-an, khi chứng kiến ngôi mộ trống, đã tin rằng: “theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 20:9)
2. NHỮNG LẦN HIỆN RA CỦA CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH
Kinh Thánh kể lại những lần hiện ra của Chúa Giê-su mang một ý nghĩa rất lớn cho các môn đệ, đặc biệt trong lúc các ngài bị khủng hoảng đức tin và chìm ngập trong sợ hãi bị bách hại của hai thế lực đế quốc Rô-ma và giới lãnh đạo tôn giáo Do-thái.
Sự hiện ra của Chúa Giê-su Phục Sinh là niềm an ủi rất lớn cho các môn đệ. Chúa Giê-su Phục Sinh giúp các môn đệ hiểu sâu hơn những gì Ngài đã dạy, đặc biệt về vai trò và sứ vụ tình thương của Đấng Mê-si-a, và đồng thời trao ban Chúa Thánh Thần Đấng dẫn dắt các môn đệ tiếp tục theo Ngài trên hành trình rao giảng Tin Mừng Phục Sinh: “Anh em hãy là những chứng nhân của Thầy, tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri-a và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8).
3. VIỆC LÀM CHỨNG CỦA CÁC MÔN ĐỆ
Các môn đệ đã ý thức rất rõ tầm quan trọng của lệnh truyền này và đã hăng hái thực hành. Nội dung lời rao giảng của các môn đệ nhấn mạnh và xoay quanh việc Chúa Giê-su đã chết trên thập giá, nhưng đã trỗi dậy từ nấm mồ. Các môn đệ làm chứng bằng nhiều cách thức khác nhau như: đời sống yêu thương phục vụ như Chúa Giê-su, thuật lại những gì mắt thấy tai nghe, và chữa lành bệnh nhân bằng quyền năng Chúa Thánh Thần. Nhờ những gương chứng tá rất sống động của các môn đệ, Tin Mừng Phục Sinh không ngừng lan toả khắp nơi trên thế giới bất chấp mọi bách hại. Số Ki-tô hữu chiếm một phần ba dân số thế giới là một bằng chứng hùng hồn cho hoạt động không ngừng của Chúa Giê-su Phục Sinh.
BA DẤU CHỈ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊ-SU CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI CHÚNG TA?
Câu chuyện ý nghĩa của anh Peter mà tôi sắp chia sẻ có thể giúp trả lời câu hỏi quan trọng này. Peter là một tù nhân bị giam giữ hơn sáu năm. Nhưng đối với Peter, đây là khoảng thời gian có ý nghĩa nhất theo nghĩa là được biết và yêu mến Chúa Giê-su một cách sâu sắc qua Kinh thánh. Peter thực sự đã được tình yêu Ngài chạm đến và biến đổi. Anh đã quảng đại chia sẻ những kinh nghiệm tuyệt vời đó với những bạn tù khác, đặc biệt với những người đang sống trong tuyệt vọng có nguy cơ tự sát. Thật tuyệt vời là Peter được các bạn tù cảm kích và yêu mến. Những trải nghiệm yêu và được yêu đó làm cho cuộc sống trong tù của anh trở nên có ý nghĩa và đáng sống.
Thật không may, Peter đã phải nhập viện vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Trong lần gặp đầu tiên, anh đã kể cho tôi nghe hai tin: một tin tốt và một tin xấu. Tin tốt là anh đã được mãn hạn tù sớm hơn hai năm. Tin xấu là anh chỉ còn sống được hai tuần.
Thế nhưng tin xấu này không thể làm xáo trộn sự thanh thản và bình an trong tâm hồn anh. Sau khi lãnh nhận các Bí tích Hòa giải và Bí tích Xức dầu cùng với rước Mình Thánh Chúa, Peter cảm thấy rất vui vì được tái sinh. Và niềm vui ấy được nhân lên nhiều lần khi anh nhận được rất nhiều lá thư cảm kích của các bạn tù về những điều tuyệt vời mà Peter đã chia sẻ với họ. Hai tuần sau, Peter đã trở về với Chúa trong sự thanh thản và bình an.
Câu chuyện ý nghĩa của anh Peter giúp chúng ta hiểu hơn ý nghĩa của ba dấu chỉ phục sinh của Chúa Giê-su. Trước hết, “Ngôi mộ trống” mời gọi chúng ta đừng để cuộc đời mình bị giam hãm bởi nấm mộ được xây bằng cay đắng, hận thù, hay những lỗi lầm trong quá khứ. Kế đến, “những lần hiện ra của Chúa Giê-su” củng cố niềm tin của chúng ta vào sự hiện diện và quan phòng đầy yêu thương của Ngài trong cuộc sống hằng ngày. Sau cùng, “việc làm chứng của các môn đệ” thôi thúc chúng ta hăng hái làm chứng cho Chúa Giê-su Phục Sinh bằng chính cuộc đời được tình yêu cứu độ của Ngài chạm đến và biến đổi.
Xin cho mỗi người luôn là chứng nhân Phục Sinh cho thế giới hôm nay, một thế giới đang bị bao phủ bởi hận thù, bạo lực, và bất công ngỏ hầu ngày càng có nhiều người được cảm nếm Tin Mừng cứu độ của Chúa Giê-su Phục Sinh.
Amen.
Nguyện xin niềm vui và ân sủng của Chúa Phục Sinh luôn tràn ngập tâm hồn mỗi người!
Fr Thắng Nguyễn Như, msc
“Nhận nhưng không thì cho đi nhưng không.” Mong cả nhà cùng chung tay làm cho Lời Chúa được vang xa bằng cách chia sẻ bài suy niệm này đến những ai cần nhé. Xin chân thành cám ơn.