Apr202025
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Chúa Nhật Phục Sinh Cv 10,34a.37-43. Cl 3,1-4. Ga 20,1-9
Lờ mờ cảm nhận Chúa Phục Sinh
Một vài người ngoài công giáo thắc mắc rằng, hai chữ viết tắt lờ mờ trước tên của một số tên nghĩa là gì? Câu trả lời thường rất rõ ràng đến từ người tín hữu là chữ viết tắt của linh mục. Thế mà, có người vui đùa rằng, lờ mờ có thể là lơ mơ, lớ mớ gì đó vì nhiều người có chữ viết tắt này xem ra còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm lắm. Vâng, đối diện với Chúa thì có ai dám nhận mình là giỏi giang, là rõ ràng, là nắm giữ hết mọi sự đâu. Vậy phải chăng, khi đối diện với Chúa Phục Sinh người công giáo cũng đang còn rất lờ mờ lắm?
Dường như không phải thế, vì theo lời của thánh Phê rô trong sách Công vụ Tông Đồ, mọi sự rất chi là rõ ràng. Thánh nhân khẳng định mọi người biết rõ về những gì đã xảy ra khắp nơi. Chuyện từ miền Ga-li-lê với lời rao giảng của ông Gio an Tẩy Giả, đến xuất thân Na-da-rét của Chúa Giêsu. Ông rõ ràng làm chứng về những gì Chúa đã làm trong vùng dân Do Thái, tại trung tâm điểm là Giê-ru-sa-lem. Thánh nhân còn xác nhận về cái chết của Chúa Giêsu cây gỗ. Nhưng có điểm lờ mờ ở đây là, Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa cho trỗi dậy và xuất hiện tỏ tường với các môn đệ, chứ không phải cho toàn dân. Nếu như thế, những người tín hữu được được đòi buộc xác tín vào những gì đã được truyền lại từ các tông đồ. Vậy thì có rõ ràng không?
Trình thuật của Tin Mừng Gioan có lẽ sẽ cho chúng ta một câu trả lời qua hành trình đức tin lờ mờ đến rõ ràng hơn đôi chút với những cách nhìn đặc biệt (Ga 20, 1; 5; 6; 8). Khởi đầu là cách nhìn thể lý của bà Maria Mác-đa-la khi trời còn tối. Lúc này, đôi mắt bà còn lờ mờ chỉ thấy được tảng đá lăn ra khỏi mộ. Bà hốt hoảng chạy đi tìm các môn đệ với sự lơ mơ của mình. Cũng với cách nhìn thể lý này, người môn đệ kia chạy đến trước và chỉ thấy được những băng vải. Ông vẫn chưa thật sự rõ ràng để bước vào trong. Tiếp đến, Simôn Phêrô có cách nhìn suy niệm và phân tích. Cách nhìn này được thể hiện qua việc ông bước vào trong mồ, chiêm niệm về băng vải và khăn che đầu của Chúa Giêsu để ở trong đó. Cách nhìn này cũng giúp ông nghiệm ra sự gọn gàng ngăn nắp, khi tấm khăn che được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.
Và cuối cùng, người môn đệ kia đã có cách nhìn thiêng liêng, cách nhìn tâm linh khi ông bước vào trong ngôi mộ trống. Cách nhìn này của ông không còn dừng lại ở thể lý hay suy tư mà đi vào trong cảm nhận. Tin Mừng khẳng định người môn đệ đã có cách nhìn thiêng liêng qua sự cảm nhận thật sự và đã tin. Đây cũng là cách nhìn mà tác giả Tin Mừng mời gọi các tín hữu nên có khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Phục Sinh.
Vâng, hành trình gặp gỡ và cảm nhận Chúa Giê su Phục Sinh của chúng ta đôi khi cũng thế. Vì bối cảnh trời tối của cuộc đời, chúng ta còn lơ mơ, lờ mờ như Maria Mác-đa-lê-na lúc đầu vậy. Lúc đó, chúng ta được mời gọi hãy đến với những người khôn ngoan, những người có thể đồng hành trong hành trình đức tin với chúng ta. Dẫu biết rằng, hành trình đôi khi chưa thật rõ ràng, còn dừng lại ở thể lý mà thiếu đi con mắt thiêng liêng, nhưng chúng ta tin tưởng và hy vọng cách nhìn của mình sẽ ngày càng được biến đổi để nhận ra Chúa rõ ràng hơn.
Chúng ta cũng có thể đáp lại lời mời gọi của thánh Phaolô khi biết nhìn về đâu, tập trung vào điều gì. Thánh nhân xác nhận sự trỗi dậy cùng với Chúa Phục Sinh của chúng ta và hãy luôn tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới. Dẫu biết rằng, những gì thuộc về hạ giới chúng có thể giúp chúng ta tồn tại nhưng chúng cũng dễ khiến chúng ta cứ mãi bám víu, mãi phụ thuộc. Chúng khiến chúng ta quên mất rằng, mình có một sự sống mới, sự sống vĩnh cửu thật sự nơi Chúa Giêsu Kitô. Điều này cũng mời gọi chúng ta hãy có một cách nhìn thiêng liêng, một cách nhìn vượt qua giới hạn thể lý mà hướng tới cách nhìn thiêng liêng, cách nhìn mang lại nhiều cảm nhận.
Ước mong sao, mỗi người anh chị em chúng ta sẽ luôn đồng hành cùng nhau trong sự biến đổi cách nhìn, nhất là trong mùa Phục Sinh này, để rồi chúng ta có thể gặp gỡ và tín thác Chúa Giêsu đã Phục Sinh dẫu đôi khi đôi mắt đức tin của mình còn pha chút lờ mờ. Amen.