Mar232025

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Chúa Nhật III Mùa Chay. Xh 3,1-8a. 13-15. 1Cr 10,1-6. 10-12. Lc 13,1-9

Hy vọng, kẻ chết hay người sống?

Đối diện với cái chết, nhiều người không khỏi đau buồn và nỗi đau dường cứ kéo dài mãi. Đây có lẽ
cũng là điều bình thường vì tương quan đặc biệt giữa người sống và người đã qua đời. Bởi vì tương
quan càng gắn chặt thì sự mất mát càng thêm sâu đậm và tiếp diễn mãi. Đây là điều xảy ra cho mỗi
người nói chung, vậy còn cách riêng cho người Kitô hữu thì sao? Liệu rằng, mỗi người tín hữu công
giáo, cứ mãi đắm chìm trong nỗi đau mất mát, hay nhận ra Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống
không phải kẻ chết?

Từ trong bài đọc trích từ sách Xuất Hành, Mô-sê xuất hiện là một người chăn chiên. Ông là một vị
chủ chăn yên phận với số phận của mình nơi sa mạc sau khi trốn chạy khỏi Ai Cập. Với Mô-sê, một
dấu chấm hết đã được đặt ra cho mọi quá khứ của ông. Thế nhưng, ông vẫn có một sự hiếu kỳ, một sự
ngạc nhiên trước những gì xảy ra chung quanh ông. Chính sự tò mò tích cực này đã giúp Mô-sê mở
lòng mình ra để đến gần Chúa, nhận ra sự thánh thiêng của Người và biết Đức Chúa là ai trong tương
quan với ông. Ông nhận ra, Thiên Chúa là Chúa của các tổ phụ và là Thiên Chúa của kẻ sống. Thiên
Chúa là một Đấng Hiện Hữu đến với con người, ban cho con người hy vọng giải thoát và mời gọi mỗi
người hãy đến với nhau. Chính Mô-sê cũng được mời gọi trở về với dân nơi đất Ai Cập.

Lẽ dĩ nhiên, con người đến với nhau để đem lại sự sống chứ không phải cái chết. Thế mà, theo trình
thuật Tin Mừng Luca, có mấy người đến với Chúa Giêsu để kể về những người chết như thể họ là
những người tội lỗi và đáng chết. Trong mắt những người này, những kẻ chết là người mắc tội nặng
hơn tất cả mọi người và cái chết là xứng đáng dành cho họ. Nhận ra cách nhìn thiếu sót này, Chúa
Giêsu nhắc nhở họ rằng cái chết sẽ xảy đến cho tất cả mọi người, cho người tốt lẫn kẻ xấu. Điều quan
trọng là sự sám hối, một sự thay đổi từ tâm, một sự chuyển đổi con đường mình đang đi.

Sự thay đổi ví như một cây vả trong vườn nho. Cây vả vốn dĩ không nên xuất hiện trong vườn nho
nên sự có mặt của nó đã là một sự lạ. Càng lạ hơn nữa khi nó chưa sinh hoa kết trái, chưa biết tạo lợi
ích cho người để nó tồn tại trong nơi dành riêng cho cây nho. Nếu sự thật là như thế thì nó bị chặt đi
cũng là đúng đắn. Thế nhưng, với lòng kiên nhẫn và hiền hậu, Thiên Chúa như ông chủ đã vẫn luôn
tìm đến nó để tìm quả, và Chúa Giêsu như người làm vườn vẫn cố gắng giữ lại để mong sao cây vả
kia biết thân biết phận, biết thay đổi mà sinh hoa kết trái.

Thực tế cây vả đôi lúc cũng như mỗi người Kitô hữu trong cuộc đời, nhiều lúc mình tồn tại trong nơi
mình không thuộc về. Đôi khi sự xa lạ, sự riêng biệt làm cho người tín hữu ẩn mình đi, giữ khư khư
những gì mình có trong quá khứ. Nếu như thế thì làm sao có thể sinh hoa kết trái, có thể nhận ra sự
sinh sổi nảy nở không ngừng? Chính như thánh Phaolô cũng đang nhắc nhở chúng ta về bí tích Rửa
tội thiêng liêng của dân Chúa khi họ ở dưới cột mây, khi họ vượt qua Biển Đỏ. Họ tưởng rằng một sự
tẩy rửa cùng với thức ăn của uống thiêng liêng như thế là đủ. Thế là họ quỵ ngã trong sa mạc, khi họ
cứ mãi chiều theo dục vọng xấu xa, cứ mãi lẩm bẩm kêu trách Chúa. Họ cũng như mỗi người anh chị
em chúng ta, cứ tưởng mình đang đứng vững, thế là ngã quỵ lúc nào không hay.

Thế nên chúng ta nhận ra, mình cần biết trân trọng những gì đã có và đang có vì tất cả là những món
quà quý giá từ Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không phải là của kẻ chết, cũng như phép rửa không
phải là sự kết thúc viên mãn mà vẫn còn đó một đời sống nối dài. Một đời sống mà mỗi người được
mời gọi nhận ra, môi trường chung quanh đã được vun xới và thêm phân bón. Việc của chúng ta chỉ
cần biết nhận ra, thay đổi và phát triển để có thể sinh nhiều hoa thơm trái ngọt.

Nguyện ước sao, mỗi người chúng ta luôn biết sống trong một hành trình hy vọng khi biết trân quý
những gì đã có và đang có, để biết luôn thay đổi và phát sinh nhiều hoa lợi. Vì chúng ta nhận ra, chỉ

có người sống mới biết hy vọng, mới biết hành trình mỗi ngày, còn người chết thì đã an giấc rồi.
Amen.