Feb062025
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Thứ Năm Tuần I TN C. Mt 28,16-20. Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn, tử đạo.
Theo Chúa Sao Còn Hoài Nghi?
Đối với người theo Chúa, Đức Tin thật là một bước quan trọng để đi theo Đấng họ tôn thờ. Vì
nếu không có lòng tin, người tín hữu sẽ dễ dàng lạc lối, dễ dàng tự hỏi tôi sẽ đi đâu về đâu.
Như thế, dường như sự hoài nghi không còn chổ xuất hiện trong đời sống đức tin. Nhưng
trong thực tế, đã có những lúc con người thiếu lòng tin, lòng người trở nên chai đá. Thế là,
người tín hữu cũng có lúc hoài nghi, có lúc cảm thấy thật khó để đặt trọn niềm tín thác vào
Chúa. Vậy phải chăng, người theo Chúa không thể hoài nghi?
Theo trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, ngay cả các môn đệ, những người được
Chúa chọn gọi, những người chứng kiến mọi sự xảy ra trong đời sống công khai của Chúa,
cũng đã hoài nghi. Các ông hoài nghi về thầy mình, đặc biệt là sự phục sinh của Người. Điều
này xem ra cũng là đúng lý vì biến cố Chúa Phục Sinh quá đặc biệt, vượt qua sức hiểu thông
thường của con người. Người theo Chúa nếu chưa có cảm nghiệm với Chúa trong cuộc đời
thì chắc hẵn cũng không thiếu những hoài nghi. Hoài nghi về sự hiện diện của Chúa trong
cuộc đời của mình.
Hiểu được điều đó, Chúa Giêsu không ngại đến gần các môn đệ, cách đặc biệt những người
hoài nghi. Chúa đến gần các ông để các ông được gần Người hơn, không phải để trách mắng
nhưng là để cũng cố niềm tin của các ông. Người cũng cố bằng lệnh truyền Loan Báo Tin
Mừng. Có thế nói, Chúa không chỉ cũng cố niềm tin bằng lời nói nhưng còn mời gọi môn đệ
hành động. Một hành động cụ thể để cũng cố niềm tin của mình là ra đi và làm cho muôn dân
trở thành môn đệ.
Trong lệnh truyền này, Chúa Giêsu là Đấng được trao toàn quyền, cả trên trời lẫn dưới đất.
Nói cách khác, uy quyền của Người không còn giới hạn vào không gian và thời gian mà mở
rộng không giới hạn. Tin tưởng vào quyền năng của Chúa Giêsu, người môn đệ của Người
được mời gọi ra đi và hành động. Hành động này không phải cho riêng mình mà cho Chúa,
không phải nhân danh mình mà nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế
nên, muôn dân sẽ trở thành môn đệ của Chúa chứ không phải môn đệ của riêng ai. Giáo lý
được rao truyền là điều Chúa Giêsu đã dạy chứ không phải là lời dạy của riêng ai.
Thế mới biết, việc hoài nghi trong cuộc sống là bình thường, là hữu lý vì sự hiện diện của
Chúa vượt qua sự thông hiểu bình thường của con người. Chính trong sự hoài nghi này,
người theo Chúa được mời gọi không ngừng cảm nhận Chúa trong đời của mình, không
ngừng cũng cố đức tin của mình và của anh chị em chung quanh. Cách cụ thể, thánh Phao-
lô Mi-ki cùng các bạn tử đạo đã thể hiện trong đời của các Ngài. Có như thế, mỗi ngày theo
Chúa sẽ là sự hoài nghi để tìm hiểu, để cảm nhận sự hiện diện của Chúa không ngừng. Chứ
không phải hoài nghi mà cứng lòng, mà thiếu tin tưởng và vâng phục.
Nguyện ước sao, mỗi người theo Chúa sẽ luôn nhận ra Chúa mỗi ngày như lời Chúa Giê-su
đã phán: “Thầy ở cùng anh chị em mọi ngày cho đến tận thế.” Để rồi, mỗi ngày sẽ là một cuộc
hành hương, là một chuyến đi về nhà Chúa. Dẫu biết rằng, sự hoài nghi sẽ xuất hiện trên hành
trình này, nhưng nhờ đó mà mỗi ngày con người sẽ đến gần Chúa hơn, sẽ cảm nhận được
lệnh truyền của Chúa qua hành động cụ thể trong đời. Amen!
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.