Oct272024

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Chúa Nhật XXX B. Gr 31,7-9; Hr 5,1-6; Mc 10,46-52

Chúa Nhật XXX Thường Niên - Năm B | Tổng Giáo Phận Hà Nội

Có ‘mù’ mới đi theo Chúa? 
Khi đi trên đường mà lỡ đụng vào nhau, người nóng tính liền quát to, “mù hả!” như để thể hiện thái
độ giận giữ cũng như trách mắng có mắt sao không nhìn thấy. Thực tế có khi xảy ra, người bị đụng
đúng thật là bị mù, còn người quát to thì mắt lại rất sáng. Vậy là vỡ lẽ ra, người tưởng là mình sáng
mắt, mình oai phong thì lại có mắt không tròng, còn người mắt không nhìn thấy rõ thì lại tỏ tường
mọi tâm can, lại khiêm tốn nhẹ nhàng. Trong đời sống đạo đôi khi cũng thế, người tưởng là có mắt
sáng thì vẫn chưa nhận ra Chúa, vẫn mù tối bước đi; còn người xem chừng mắt tối thì lại rõ ràng trên
con đường theo Chúa. Vậy phải chăng, chỉ có ‘người mù’ mới theo Chúa mà thôi?
Trong bài đọc I, người đui mù được nhắc đến là một trong số những người được Đức Chúa an ủi và
dẫn đưa về quê hương. Ngôn sứ Giêrêmia đã diễn tả cảnh hồi hương vui mừng hớn hở qua lời phán
của Đức Chúa. Từ đất Bắc, nơi đất khách quê người, dân chúng chịu cảnh lưu đày được Đức Chúa
quy tụ, được tự do để cùng nhau trở về. Tất cả tập họp thành một đại hội đông đảo không phân biệt
bất cứ một ai cả. Nhất là, những người đui, què, mang thai, ở cữ đều được gia nhập vào đoàn người
đông đảo này. Đây cũng là một điểm đặc biệt khi người sáng mắt, lành lặn không được nhắc đến rõ
ràng mà người tổn thương, yếu đuối lại được đề cập và đưa vào danh sách. Điều này cho thấy Đức
Chúa quan tâm đến người đau yếu, bệnh tật và người bất chính hơn là người khoẻ mạnh, công chính.
Có lẽ cũng vì thế, Máccô không ghi nhận rõ ràng tên của nhiều môn đệ trong toàn bộ Tin Mừng. Thế
mà, tên của người ăn xin mù không đáng quan tâm lại được nhắc đến chi tiết. Anh ta tên là Batimê,
con ông Timê (Mc 10:46). Sự thật, anh Batimê không được liệt kê vào danh sách các tông đồ như anh
em Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê hay Giacôbê con ông Anphê (Mc 3:16-19). Thế nhưng, anh
cũng được chọn gọi là môn đệ của Chúa Giêsu như người thu thuế tên là Lêvi, con ông Anphê (Mc
2:14). Một điểm đáng chú ý về cấu trúc là trình thuật chữa lành và đi theo của môn đệ Batimê hôm
nay cũng là đoạn kết thúc sứ vụ ngoài Galilê của Chúa Giêsu. Có thể nói, Batimê là người môn đệ
cuối cùng theo Chúa Giêsu trước khi Người vào Giêrusalem theo Tin Mừng Máccô.
Đặc biệt là thế mà người môn đệ này chỉ là một người mù, một người ăn xin bên vệ đường trước khi
gặp Chúa Giêsu. Khi nghe biết về Chúa Giêsu anh đã lớn tiếng cầu xin và dù có bị cấm đoán, cản
ngăn thì anh càng kêu lớn tiếng hơn. Hơn thế nữa, anh ta sẵn sàng vất áo choàng lại, đứng phắt dậy để
đến với Chúa Giêsu. Đây là thái độ cương quyết bất chấp tất cả của người môn đệ theo Chúa. Bởi vì,
tấm áo có thể là vật phẩm duy nhất anh có và giúp anh sống vượt qua cái lạnh về đêm. Có thế nói,
mắt anh mù nhưng tâm anh sáng, anh biết rõ anh cần được gặp Chúa và được sáng mắt. Để rồi, khi đã
sáng mắt, anh không nhìn thấy vinh hoa phú quý của cuộc đời mà chỉ nhìn thấy và đi theo con đường
Chúa Giêsu đi. Một cách ẩn ý, anh mù đã được sáng cả thể lý lẫn tâm linh, anh nhận ra ơn gọi làm
muôn đệ của mình ngay khi được thấy Chúa qua đôi mắt thể lý và sáng tỏ hơn đôi mắt tâm linh
Vậy còn mỗi người chúng ta thì sao? Đã bao lần chúng ta to tiếng giận dữ hay chê trách người khác là
người mù này, kẻ mù nọ vì họ đụng đến chúng ta. Phải chăng chính lúc đó chúng ta quên mất mình
cũng chỉ là người mù mà thôi. Vì biết đâu, những người mù trong mắt chúng ta lại là những người
luôn biết cầu xin và lắng nghe tiếng Chúa. Đó là những người được Chúa cho sáng mắt và hằng đi
theo Người. Còn chúng ta, đôi khi mắt chúng ta bị tối tăm bởi những giận hờn, ghen tị, phán xét; hay
bị bao phủ bởi tấm áo choàng vật chất khi xem nó như tính mạng của mình. Thế là, chúng ta quên
mất mình cần biết lớn tiếng cầu xin, sẵn sàng vứt bỏ và chỉ biết đi trên con đường Chúa đi mà thôi.
Ước mong sao, mỗi người chúng ta đều có thể nhận ra đôi mắt mù loà của mình để luôn cầu xin được
‘sáng mắt.’ Chúng ta thà đón nhận những lời của người đời như là: “có mù, có ngu, có điên mới đi
theo Chúa,” còn hơn là nghe những lời ca tụng hảo huyền: “thật sáng suốt, khôn ngoan, tỉnh táo khi đi
theo chủ nghĩa vật chất, vô thần.” Chúng ta thà là ‘những người mù’ mà theo con đường Chúa đi, đến
nơi Chúa đến còn hơn là ‘kẻ sáng’ mà mãi là ảo tưởng, mãi không biết đích đến của cuộc đời. Amen.!

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.