Jul242024
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên. Mt 20,20-28.
Chén đắng là chén gì.
Ông bà và anh chị em rất thân mến!
Trong một cuộc trò chuyện, có người nhắc đến việc uống rượu hút
thuốc và xem đó là hành động ‘ngậm đắng nuốt cay.’ Dẫu là, cay
đắng như thế mà nhiều người vẫn lao vào, vẫn hứng thú. May mắn
hơn trong một số nước, đơn cử như là ở nước Úc, thì số lượng
người ngặm đắng nuốt cay có lẽ đã giảm xuống nhiều. Vậy thử hỏi,
chén đắng mà Chúa mời gọi hay đúng hơn là hỏi thăm trong bài Tin
Mừng là chén gì? Sao nó được gọi là chén đắng?
Lẽ dĩ nhiên, chén đó có lẽ không phải là chén anh chén em, chén
bạn chén tôi trong các cuộc vui chơi, liên hoan, hay tụ họp bạn bè.
Vì nhiều lúc, bạn thì không thiếu nhưng bè thì không thừa. Dẫu thế,
cũng có nhiều người đọc Kinh Thánh rồi bảo rằng, Chúa Giêsu và
các môn đệ cũng không phải vừa đâu.
Nguyên do là theo Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã mời gọi các
môn đệ đến mà xem, rồi các ông đã ở lại với Người. Người đã rủ
các ông đi dự tiệc cưới, nói một cách dân dã là đi nhậu, đi làm tí gọi
là. Khi dự tiệc, rượu đã hết mà không chịu ngừng mà lại còn hóa
rượu thành nước nữa. Rượu quả là một chất xúc tác, một hương vị
đưa nhiều người lại với nhau để ấm tình người chứ không phải để
say xưa, không phải không biết điểm dừng.
Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, để được ngồi bên trái hay bên
phải, Chúa lại hỏi có uống nổi chén của Người không? Vì họ đáp
uống nổi nên Chúa lại khẳng định, ai đi theo Người thì phải uống
rồi, còn ngồi bên trái hay bên phải gì cũng được, miễn sao uống
được là tốt rồi. Cụ thể hơn, ngồi bên trái hay phải là do quyền quyết
định của chủ tiệc, của Chúa Cha.
Tưởng rằng, quá trình này dừng lại ở đó, nhưng rồi trước khi chết,
Chúa Giêsu lại nhắc lại. Chén Chúa Cha đã trao lẽ nào người không
uống? Và rồi trên Thánh Giá, Người lại thốt lên, “Ta Khát”. Phải
chăng Chúa Giêsu chưa chịu thôi mà còn muốn uống nữa?
Một sự liên tưởng, một sự so sánh như thế xem ra có chút đi xa quá,
nhưng có khi lại phù hợp. Chén đắng của Chúa Giêsu không gì
khác là đời sống của Người, là con đường Thánh Giá, là hy sinh
chính mạng sống của mình. Chén đó có thể được mở rộng ra thành
tình yêu thương qua các mối tương quan, qua sự lắng nghe đáp lời,
qua sự chung chia cùng một con đường. Tất cả những hành động
yêu thương đó nối kết mỗi người lại với nhau và quy về chính
Thiên Chúa.
Như khi mừng kính lễ thánh Gia-cô-bê, có người sẽ chơi chữ là
“Dê-ba-cô”, nếu như thế thì thật là ‘quá đáng.’ Sự việc sẽ rất chính
đáng khi những ai theo Chúa, một cách cụ thể các thánh tông đồ,
luôn biết chấp nhận và uống chén đắng cùng với thầy mình. Một
chén đắng chứa đựng sự đam mê hương nồng tình yêu, một chén
chứa đựng sự hy sinh phục vụ chứ không phải là quyền cai trị. Một
chén đắng để mọi người có thể quy tụ cùng với nhau.
Vâng, chén của Chúa ai cũng uống, và vị đắng lại trở nên ngọt cùng
với những dư âm. Nếu chúng ta cứ mãi cảm nhận vị đắng mà quên
mất ý nghĩa, quên mất những trãi nghiệm thì sẽ đánh mất giá trị thật
sự. Để rồi, chúng ta nhận ra rằng, lắm lúc chúng ta cũng trao nhau
những chén đắng không phải để sát phạt nhau, thậm chí tổn thương
nhau. Ngược lại, chén đắng chúng ta trao nhau để xây dựng, để nối
kết, để cùng nhau tận hưởng hương vị tình yêu.
Ước mong sao, mỗi người anh chị em chúng ta cũng luôn biết nhận
ra chén đắng Chúa Cha để rồi cùng nhau chia sẻ, cùng nhau uống
những tâm tình hy sinh phục vụ quên mình. Amen.